Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới - BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) diễn ra vào ngày 26/7 ở thành phố Johannesburg, các nhà lãnh đạo BRICS đã ký một tuyên bố ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở và toàn diện.
Lãnh đạo các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã tìm được tiếng nói chung ủng hộ thương mại toàn cầu tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày nói trên, đồng thời cam kết đấu tranh chống chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ sau những đe dọa áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuyên bố được lãnh đạo 5 nước ký nêu rõ: "Chúng tôi nhận thấy hệ thống thương mại đa phương đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của một nền kinh tế thế giới mở."
Trước đó, cùng ngày, phát biểu trong phiên họp toàn thể của Hội nghị thượng đỉnh BRICS, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi các nước BRICS nỗ lực xây dựng mối quan hệ quốc tế kiểu mới dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, công bằng và hợp tác cùng có lợi.
[Mega Story] BRICS khẳng định vai trò trong thời đại kinh tế 4.0
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nêu rõ: "Bằng cách vận dụng tối đa vai trò của các hội nghị BRICS cấp ngoại trưởng, cố vấn an ninh quốc gia và đại diện thường trực tại Liên hợp quốc, chúng ta có thể bày tỏ tiếng nói và đưa ra những giải pháp của mình."
Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các nước khác trong BRICS bảo an ninh và hòa bình toàn cầu, ý nói tới sự hợp tác chính trị và an ninh đóng vai trò là nhân tố quan trọng trong mối quan hệ đối tác chiến lược của các nước.
Theo ông, các nước BRICS nên duy trì cam kết về chủ nghĩa đa phương, cũng như tuân thủ mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 10 kéo dài trong 3 ngày từ 25-27/7, với chủ đề “BRICS tại châu Phi: Hợp tác vì sự tăng trưởng bao trùm và thịnh vượng chung trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.”
Ngày làm việc thứ 2 chứng kiến phiên họp chính thức giữa 5 lãnh đạo thành viên BRICS, các nhà lãnh đạo của nhóm đã nhấn mạnh sự cần thiết của các nước thành viên trong việc chuẩn bị nhân lực và vật lực để thích nghi và tận dụng các lợi thế do cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho rằng các quốc gia cần phải chuẩn bị thật tốt để đáp ứng những đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này.
Ông nhận định rằng đây không chỉ đơn giản là cuộc cách mạng số, mà là sự thay đổi về lối sống, cách làm việc và quan hệ của loài người.
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhắc lại thành quả của 3 cuộc cách mạng trước mang lại cho loài người và nhấn mạnh cuộc cách mạng lần thứ 4 là một bước phát triển tất yếu của loài người.
Tuy nhiên, ông cho rằng của chủ nghĩa bảo hộ và đơn phương đang làm tổn hại đến tiềm năng phát triển của những nền kinh tế mới nổi.
Về phần minh, Tổng thống Brazil Michel Temer tái khẳng định rằng thông tin, tri thức và công nghệ số hiện đang trở thành động lực phát triển của các nền kinh tế.
Ông cho rằng hiện tại, tài sản lớn nhất của một quốc gia chính là khả năng tận dụng và phối hợp tri thức một cách hiệu quả.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lại di sản của cố Tổng thống Nelson Mandela để lại và hiện những giá trị đó vẫn còn nguyên giá trị và soi sáng cho mọi hoạt động của BRICS.
Bên cạnh việc chỉ rõ những tác động của cuộc công nghiệp số lên nền kinh tế Nga, ông Putin cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo vệ cuộc sống riêng tư của người dân trong kỷ nguyên số.
Là người có bài phát biểu cuối cùng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng thế giới sẽ trở nên ‘’phẳng” hơn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và lúc đó tài năng sẽ quan trọng hơn cả vốn đầu tư.
Theo Thủ tướng Ấn Độ, cuộc cách mạng số cũng sẽ nâng cao chất lượng phục vụ người dân, chẳng hạn như việc dùng công nghệ số để thực hiện những dịch vụ công./.