Brexit: Rắc rối về điều ước chưa từng được thực hiện trong lịch sử EU

Điều 50 chưa từng được sử dụng trong suốt lịch sử EU và được viết ra tại thời điểm mà việc một thành viên nào đó rời bỏ liên minh có vẻ như là điều “không tưởng.”
Brexit: Rắc rối về điều ước chưa từng được thực hiện trong lịch sử EU ảnh 1(Nguồn: AFP/TTXVN)

Điều 50 Hiệp ước Lisbon về Liên minh châu Âu (EU) tuy chỉ gồm 5 khổ ngắn và đơn giản, song lại quy định về cách thức một nước thành viên sẽ rời khỏi EU như thế nào.

Sau khi các cử tri Anh lựa chọn "Brexit" trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 vừa qua, có vẻ như rắc rối bắt đầu nảy sinh xung quanh việc thực hiện điều khoản này.

Điều 50 chưa từng được sử dụng trong suốt lịch sử EU và được viết ra tại thời điểm mà việc một thành viên nào đó rời bỏ liên minh có vẻ như là điều “không tưởng.”

Khổ đầu tiên của Điều 50 viết: “Mọi thành viên có thể tự quyết định rút khỏi Liên minh theo trình tự quy định bởi hiến pháp.”

Cuộc trưng cầu dân ý vừa qua tại Anh đã buộc EU lần đầu tiên phải đối mặt với một kế hoạch chia ly như thế. Trung tâm của sự chú ý hiện nay là cuộc tranh cãi giữa London và các thành viên còn lại của khối về thời điểm và cách thức mà nước Anh sẽ rời bỏ liên minh.

Ông Robert Chaouad, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện các vấn đề chiến lược và quốc tế (IRIS), cho rằng: “Điều khoản này nêu lên quá ít chi tiết về cách thức tiến hành quá trình rời bỏ liên minh của một thành viên.”

Điều 50 cũng quy định “một nước thành viên muốn rời khỏi EU phải thông báo cho Hội đồng châu Âu (gồm 28 lãnh đạo của các nước thành viên, hiện do Chủ tịch Donald Tusk đứng đầu) về ý định của mình.” Tuy nhiên, nội dung này lại không quy định thời điểm một nước thành viên phải ra thông báo chính thức, và đây là “chướng ngại vật đầu tiên” sau khi có kết quả của cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6.

Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 10 tới, “nhường” trách nhiệm bắt đầu các cuộc đàm phán cho người kế nhiệm. Ông nói: “Tôi cho rằng điều nên làm là để tân thủ tướng đưa ra quyết định về thời điểm tiến hành Điều 50 và khởi động tiến trình pháp lý để Anh chính thức rời EU.”

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU cho rằng việc thông báo về kế hoạch rời khỏi EU nên diễn ra “càng sớm càng tốt” để giảm thiểu các bất ổn do “Brexit” gây ra, và Thủ tướng Cameron nên làm điều này ngay trong hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 28-29/6 tới.

Theo quy định của Điều 50, chỉ có nước thành viên có ý định rời khỏi liên minh mới có quyền quyết định thời điểm ra tuyên bố chính thức, vì thế EU không được phép gây áp lực với Anh về vấn đề này.

Việc Anh tuyên bố kế hoạch rời EU sẽ chính thức khởi động tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm để hai bên xây dựng một thỏa thuận cho việc chia tách này. Sau đó, các hiệp ước sẽ dần mất hiệu lực với quốc gia yêu cầu được ra khỏi liên minh.

Tiến trình đàm phán cũng có thể được kéo dài nếu cần thiết, nhưng chỉ với điều kiện cả Anh và 27 nước thành viên còn lại cùng đạt được đồng thuận.

Anh và EU cũng sẽ phải tiến hành các cuộc đàm phán riêng về mối quan hệ trong tương lai giữa hai bên. Tuy không được đề cập cụ thể trong Điều 50, song mối quan hệ này sẽ bao gồm quyền hạn của Anh trong việc tiếp cận thị trường đơn nhất của EU và việc liệu Anh có thể tiếp tục có các thỏa thuận thương mại với EU hay không, liệu sự tự do dịch chuyển lao động giữa Anh và các nước nội khối có được công nhận hay không, cùng nhiều vấn đề khác.

Theo Điều 50, các cuộc đàm phán về những nội dung này sẽ được tiến hành song song với tiến trình xây dựng thỏa thuận về việc rút khỏi EU. Tuy nhiên, nội dung liên quan đến quy định này được viết rất mơ hồ và chỉ nhấn mạnh các cuộc đàm phán cần “tính đến cơ cấu mối quan hệ tương lai với liên minh.”

Điều 50 Hiệp ước Lisbon cũng nhấn mạnh một nước từng là thành viên EU có thể tìm cách tái gia nhập liên minh, theo các quy định của Điều 49. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc quá trình xét duyệt tư cách thành viên sẽ bắt đầu từ con số 0.

“Brexit” cũng cần 27 quốc gia thành viên còn lại của EU thông qua thỏa thuận rút khỏi liên minh của Anh với “đa số đủ,” sau đó, Nghị viện châu Âu cũng bỏ phiếu để thông qua với đa số cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục