Brexit làm chậm tiến trình Cộng hòa Séc dùng đồng euro

Bộ trưởng Công Thương Cộng hòa Séc Jan Mladek cho biết việc nước Anh rời bỏ Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, sẽ càng đẩy xa thời điểm Séc sử dụng đồng tiền chung châu Âu.
Brexit làm chậm tiến trình Cộng hòa Séc dùng đồng euro ảnh 1Đồng euro. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Công Thương Cộng hòa Séc Jan Mladek cho biết việc nước Anh rời bỏ Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, sẽ càng đẩy xa thời điểm Séc sử dụng đồng tiền chung châu Âu (euro).

Trong khi đó, theo Đài phát thanh Prague, các chuyên gia kinh tế Séc khuyến nghị chính phủ nước này gia nhập Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) càng sớm càng tốt vì điều này có lợi cho Séc.

Hiện nay, Séc đáp ứng tất cả các tiêu chí cần tuân thủ để chuyển sang sử dụng đồng tiền chung châu Âu.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính và Ngân hàng quốc gia Séc lại không khuyến nghị đưa ra thời hạn cụ thể để nước này gia nhập Eurozone.

Bộ trưởng Công Thương Jan Mladek cho rằng hiện cần chờ đợi việc xác lập những quy tắc hoạt động mới của EU trong bối cảnh người Anh quyết định rời “ngôi nhà chung” châu Âu.

Theo ông Mladek, Brexit đẩy xa thời điểm Séc chuyển sang sử dụng đồng euro bởi hiện nay châu Âu sẽ phải thảo luận rất nhiều vấn đề khác, vì vậy việc mở rộng Eurozone bị đẩy xuống hàng thứ yếu.

Chia sẻ quan điểm của Bộ trưởng Công Thương Séc, nhà phân tích của hãng Cyrrus Tomas Mencik, cho rằng đồng euro không có chỗ trong nghị trình hiện nay. Người ta hiện chỉ quan tâm đến việc liệu tất cả các nước còn lại, ngoài Anh, có duy trì được tư cách thành viên EU hay không hay là sẽ xuất hiện những xu hướng khác.

Chủ tịch Đảng Cộng sản Séc và Morava Vojtech Filip cũng phản đối việc vội vã gia nhập Khu vực sử dụng đồng euro, thậm chí nếu như Séc đáp ứng tất cả các tiêu chí cần thiết để chuyển sang sử dụng đồng euro.

Ông Filip nhấn mạnh: “Lợi ích quốc gia của Séc quan trọng hơn những điều kiện mà châu Âu đưa ra.”

Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Séc Cyril Svoboda có quan điểm ngược hẳn.

Theo ông Svoboda, việc gia nhập Eurozone và thông qua đó củng cố EU là một hành động đúng đắn. EU sẽ lại đoàn kết xung quanh sáu quốc gia sáng lập.

Phó Chủ tịch Hội công nghiệp và giao thông Séc Radek Spicar cũng ủng hộ quan điểm nói trên.

Theo ông Spicar, Brexit sẽ dẫn đến việc tăng cường Eurozone, dẫn đến việc đầu tàu của châu Âu, mà trước hết đó là quan hệ đồng minh Đức-Pháp, sẽ vận hành tích cực hơn rất nhiều. Séc sẽ chịu thiệt hại nếu không tham gia quá trình đó, bao gồm cả việc không phải là thành viên Eurozone.

Về phần mình, trong bài trả lời phỏng vấn của nhật báo Der Standard của Áo mới đây, Thủ tướng Séc Bohuslav Sobotka đã bày tỏ lo ngại về việc nước Anh rời EU có thể làm dấy lên làn sóng ly khai và dân tộc chủ nghĩa.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Séc, chính sự hợp tác trong khuôn khổ EU tạo điều kiện chống lại những hiện tượng tương tự một cách hiệu quả.

Ông Sobotka nhấn mạnh: “Tôi cho rằng chúng ta có rất nhiều lập luận vững chắc để tiếp tục thực hiện dự án châu Âu. Bên cạnh đó, EU còn là sự bảo đảm tốt nhất nhằm tránh lặp lại những cơn ác mộng của thế kỷ XX. Đối với người Séc, châu Âu là sự bảo đảm tốt nhất cho ổn định và hòa bình.”

Người đứng đầu chính phủ Séc cũng cho biết thêm rằng những trung tâm ảnh hưởng chính trị và kinh tế mới đang xuất hiện trong một thế giới toàn cầu hóa. Ông Sobotka nêu rõ nếu châu Âu có ý định duy trì tầm quan trọng của mình trong thế giới này, thì châu lục này không nên tự làm mình yếu đi bằng cách chia tách.

Trong khi đó, Brexit đã khiến Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) thấy kém lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận thương mại tự do với EU.

Uruguay, nước đang là Chủ tịch luân phiên của Mercosur phụ trách các cuộc đàm phán với Brussels, bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về những diễn biến mới trong EU.

Tổng thống Uruguay Tabare Vazquez nói: “Chúng ta cần phải kiểm soát tình hình bởi nó có thể khiến các cuộc đàm phán FTA giữa Mercosur và EU trở nên phức tạp."

Còn theo quan điểm của Ngoại trưởng Uruguay Rodolfo Nin Novoa, các cuộc đàm phán giữa Mercosur và EU, được khởi động năm 1999 và nối lại năm 2010 sau sáu năm bế tắc, đã bị tác động bởi Brexit.

Theo nhật báo El Observador, châu Âu “sẽ giảm dần các cuộc đàm phán thương mại” với Mercosur do vấn đề Brexit và “tác động bất lợi" do hiệu ứng từ các thành viên khác của EU.

Nhật báo này đã dẫn lời một chuyên gia cho rằng Brexit có thể cũng gây ra “những xáo trộn” trong Mercosur, một khối Nam Mỹ được thành lập năm 1991 - gồm các thành viên Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay và Venezuela.

Ignacio Bartesaghi, người phụ trách lĩnh vực hội nhập và kinh doanh quốc tế thuộc trường Đại học Catholic của Uruguay, cho hay tại thời điểm này Ủy ban châu Âu (EC) sẽ có những ưu tiên khác, được cho là sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán Mercosur-EU.

Hồi tháng Năm, EU và Mercosur đã trao đổi những đề xuất đầu tiên về vấn đề thuế quan.

Về phía Argentina, Ngoại trưởng nước này Susana Malcorra cũng bày tỏ sự quan tâm về vấn đề Brexit. Tuy nhiên, bà tin tưởng rằng tiến trình đàm phán giữa Mercosur và EU sẽ vẫn được xúc tiến và sớm kết thúc.

Theo báo Jakarta Post ngày 28/6, bên lề cuộc họp tại Hạ viện Indonesia, Bộ trưởng Thương mại Thomas Lembong cho biết quyết định của người Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) có khả năng làm trì hoãn quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia-EU (IE - CEPA).

Ông Thomas cho rằng việc nước Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit, là một sự kiện có thể gây những ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt đối với nước Anh và EU.

Theo ông Thomas, Chính phủ Indonesia vẫn muốn thúc đẩy quá trình đàm phán IE-CEPA. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, nhiều khả năng Ủy ban EU sẽ tập trung vào tiến trình “ly hôn” với nước Anh, vì vậy việc này sẽ ảnh hưởng đến quá trình đàm phán giữa EU và Indonesia.

Trong những ngày tới, Chính phủ Indonesia sẽ phối hợp với Đại sứ quán EU tại Indonesia ứng phó với vấn đề đàm phán này cũng như theo dõi chặt chẽ tiến trình Brexit, ông Thomas cho biết thêm.

Về tác động của Brexit tới quan hệ thương mại Indonesia và nước Anh, Bộ trưởng Thomas cho rằng sẽ phụ thuộc vào các điều khoản “ly hôn” giữa nước Anh với khối 28 quốc gia, mà quan trọng nhất vẫn là việc liệu nước Anh sẽ ra đi hay ở lại trong thị trường chung EU.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi tuyên bố rằng tác động trực tiếp của Brexit đối với chính trị Indonesia sẽ không nhiều; ưu tiên hợp tác và quan hệ đối tác giữa Indonesia và EU sẽ không thay đổi.

Vương quốc Anh là đối tác chiến lược của Indonesia kể từ năm 2012. Năm 2015, thương mại hai nước đạt 2,35 tỷ USD, giá trị đầu tư của nước Anh tại Indonesia đạt 503,2 triệu USD.

Đại sứ nước Anh tại Indonesia, Moazzam Malik, cũng khẳng định quyết định của Xứ sở Sương mù rời khỏi EU sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương giữa hai nước Anh-Indonesia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục