Brexit không có thỏa thuận - khả năng ngày càng lớn

Với thời hạn Brexit - ngày 29/3/2019 - tức là chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa, ngày càng nhiều khả năng Anh có thể sẽ thấy mình bị đẩy ra khỏi EU mà không có thỏa thuận nào.
(Nguồn: Moneycontrol)

Theo AP, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh Dominic Raab cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) và chính đảng đang bị chia rẽ của ông rằng nước Anh sẽ ra khỏi EU mà không cần có các thỏa thuận còn hơn là chấp nhận tiếp tục trung thành với các luật lệ và yêu cầu của khối này.

Một đoạn bị tiết lộ trong bài phát biểu của Bộ trưởng Dominic Raab cho biết ông có kế hoạch thông báo với các đảng viên đảng Bảo thủ rằng nếu EU cố tình ngăn cản tiến trình rời khỏi Liên minh của Anh bằng các "biện pháp bất chính" như giữ Anh ở lại khối thị trường chung hoặc liên minh thuế quan, thì "chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ra đi mà không cần có thỏa thuận."

Quan điểm trên không phải là quan điểm được chia sẻ một cách phổ biến trong hàng ngũ các đảng viên đảng Bảo thủ khi đảng đang cầm quyền ở Anh này sắp tổ chức hội nghị thường niên tại thành phố Birmingham.

Nhiều nhà lập pháp Bảo thủ sẽ muốn duy trì mối quan hệ thân thiết với EU sau khi Anh rời khỏi khối này vào tháng 3/2019. Nhiều nhóm doanh nghiệp lớn, những người lo sợ các rào cản đối với thương mại và việc tuyển dụng nhân công có thể gây phương hại cho nền kinh tế Anh, cũng có mong muốn tương tự.

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond sử dụng chính bài phát biểu của ông tại hội nghị ngày 30/9 để nhấn mạnh rằng Đảng Bảo thủ là đảng của khát vọng kinh doanh và kinh tế. Đó là chỉ dấu cho thấy vấn đề Brexit đã khuấy động chính trường Anh như thế nào.

[Bài phát biểu ấn tượng của Thủ tướng Anh trước Đảng Bảo thủ]

Trong khi đó, Thủ tướng hiện tại của Anh, Theresa May, đang đối mặt với nguy cơ có sự thách thức quyền lãnh đạo của bà trong khi sự phản đối đối với kế hoạch Brexit của bà ngày càng gay gắt và sự ủng hộ đối với việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về tư cách thành viên EU của Anh ngày càng lớn.

Bà đang ở thế bị kẹt giữa những vị bộ trưởng như Hammond - những người muốn hạn chế mối quan hệ kinh tế thân thiết với EU sau khi ra khỏi khối này, quyết tâm thực hiện kế hoạch "Brexit cứng" và cho rằng sự đoạn tuyệt hoàn toàn với EU sẽ giúp Anh ký kết được những thỏa thuận thương mại mới với các quốc gia trên khắp thế giới.

Kế hoạch Brexit của bà May, sẽ giữ chân Anh trong thị trường hàng hóa chung của EU trong khi để cho nước này được tự do đưa ra những quy định riêng trong lĩnh vực dịch vụ, không được lòng cả hai phe phái trong đảng của bà.

Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson - nhân vật rất có thể sẽ là địch thủ của bà May trong tương lai - gọi kế hoạch này là "phi lý" và "loạn trí." Kế hoạch của bà May cũng bị các lãnh đạo của EU bác bỏ, vì họ cho rằng Anh được lợi rất nhiều từ tư cách thành viên EU mà không phải trả chi phí gì cũng như không phải chịu trách nhiệm gì.

Thủ tướng May vẫn đang xúc tiến kế hoạch của bà. Nhưng với thời hạn Brexit - ngày 29/3/2019 - chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa, ngày càng nhiều khả năng Anh có thể sẽ thấy mình bị đẩy ra khỏi EU mà không có thỏa thuận nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục