Theo trang mạng asiatimes.com, việc Anh không thể thông qua thỏa thuận rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là vấn đề Brexit, đã có tác động rất tiêu cực đến các mối quan hệ của Anh với các quốc gia châu Á và nó có thể giáng một đòn nghiêm trọng vào giao dịch thương mại của Anh với khu vực này.
Quả thực, vài ngày qua đã chứng kiến việc thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh Theresa May đã đạt được với các nhà lãnh đạo EU bị Quốc hội "già cỗi" của nước này bác bỏ sau 3 lần bỏ phiếu.
Trong khi đó, các lựa chọn thay thế được đề xuất bởi các nhóm đối lập và các liên minh các đảng cũng không giành được sự ủng hộ của đa số. Điều này dẫn đến một mặc định là Vương quốc Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 12/4 mà không có bất cứ sự chuẩn bị, thỏa thuận hay thủ tục nào cho giai đoạn chuyển tiếp.
Hôm 2/4, bà May đã kêu gọi các nghị sỹ đối lập ủng hộ thỏa thuận Brexit của bà, đồng thời cho biết bà sẽ cố gắng trì hoãn việc rời khỏi EU sau ngày 12/4, sau khi chuyên gia đàm phán Brexit của EU, Michel Barnier, nói với báo giới trước đó rằng Brexit "không thỏa thuận" đang trở nên "rõ nét hơn vào lúc này."
Một sự ra đi không có thỏa thuận cũng có thể sẽ tác động nghiêm trọng đến thương mại của Anh với châu Á và ngược lại.
"Điều đó sẽ dẫn đến một tình trạng hỗn loạn," tiến sỹ Michael Reilly, thành viên cấp cao của Chương trình Nghiên cứu Đài Loan tại Đại học Nottingham, nói với Asia Times.
"Xét về các mối quan hệ của Anh ở Đông Á cũng vậy, Brexit đã có một ảnh hưởng rất tiêu cực - và không thể tin nổi rằng các chính trị gia của Anh lại không nghĩ đến tất cả những điều này từ trước."
Người thắng và kẻ thua
Sự không chắc chắn mà Brexit tạo ra cho thương mại đã được cảnh báo rõ hôm 29/3 vừa qua tại Manila, cách London - nơi diễn ra các cuộc tranh luận sôi nổi - nửa vòng Trái Đất.
Tại đó, Chủ tịch Phòng Thương mại Anh tại Philippines (BCCP) Chris Nelson đã có bài phát biểu với báo giới tại trụ sở Phòng thương mại, trước khi ông trở lại Anh tham dự một chương trình giới thiệu các cơ hội đầu tư cho các công ty của Anh ở Philippines.
Ông nói: "Quan hệ thương mại và công nghiệp giữa Anh và Philippines tiếp tục phát triển" và "Chúng tôi rất tích cực hướng tới tương lai."
Tuy nhiên, mặc dù Philippines có thể cung cấp các cơ hội cho cả các doanh nghiệp Anh và khu vực, quốc gia này cũng giải thích một số khó khăn do quyết định trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit ở Anh hồi tháng 7/2016 gây ra.
Hai nước hiện đang tiến hành các hoạt động giao dịch thương mại theo một thỏa thuận của EU được gọi là Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP+), theo đó cho phép nhiều hàng hóa của Philippines được hưởng mức thuế ưu đãi đặc biệt và được vào thị trường các nước EU mà không bị giới hạn về hạn ngạch.
"Được biết GSP+ đã mang lại lợi ích đáng kể cho Philippines" và "chương trình này thực sự đã giúp mở cửa các thị trường," ông Nelson nói.
Tuy nhiên, khi - và nếu - nước Anh rời khỏi EU, Anh sẽ không còn là một phần của GSP+. Các thỏa thuận tương tự cũng được áp dụng cho Sri Lanka và Pakistan, do đó Anh cũng bỏ qua những cơ hội này khi hoặc nếu Brexit xảy ra. Ngoài ra, GSP+ cũng chỉ là một trong toàn bộ các thỏa thuận của EU, theo đó khu vực châu Á đang thực hiện các hoạt động thương mại với Anh.
[Tổng tuyển cử sớm: Chìa khóa phá vỡ thế bế tắc về Brexit ở Anh?]
EU có một hiệp định thương mại tự do (FTA) toàn diện hơn với Hàn Quốc, trong khi đó khối này cũng đã đàm phán thành công các FTA với Việt Nam, Nhật Bản và Singapore, và các hiệp định này sẽ sớm có hiệu lực. Hiện tại, nước Anh là một phần của các hiệp định này, nhưng sau Brexit, họ sẽ không còn là bên tham gia các văn kiện này nữa. Do đó, Anh đã cố gắng "đàm phán" các điều khoản và điều kiện thương mại hiện đang áp dụng theo các thỏa thuận này để bảo vệ nước Anh hậu Brexit.
Ying Staton, người đứng đầu Hội đồng châu Á toàn cầu ở Singapore, nói với Asia Times: "Sẽ cần phải đàm phán các thỏa thuận mới...." Tuy nhiên, "một số quốc gia đã nói rõ rằng Anh sẽ cần phải đưa ra những nhượng bộ lớn, nếu họ muốn đảm bảo các điều khoản ưu đãi tương tự đã được mở rộng cho EU."
Quả thực, như một dấu hiệu của sự khó khăn khi "đàm phán" về các điều khoản của thỏa thuận, bắt đầu từ tháng Ba vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox đã đồng ý với các thỏa thuận như vậy với chỉ 7 trong số 69 quốc gia trên thế giới.
Các chuyên gia đàm phán cứng rắn
Song song với việc này, nước Anh cũng đang nỗ lực để đạt được các thỏa thuận thương mại mới với các nước trong khu vực không có thỏa thuận với EU. Tuy nhiên, cho đến nay, các cuộc đàm phán này cũng diễn ra không mấy suôn sẻ.
Thực vậy, Phó Giáo sư James Crabtree thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore nêu rõ: "Khi bạn nhìn vào các nền kinh tế lớn hơn ở châu Á nói riêng, chắc chắn nước Anh thời hậu Brexit sẽ có các mối quan hệ tốt đẹp hơn so với khi họ là thành viên của EU."
Anh đã cố gẳng đảm bảo các điều khoản thương mại mới với Ấn Độ, nhưng đổi lại Chính phủ Ấn Độ đã thúc ép Anh tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các công dân nước này vào Anh - điều mà nhiều người ủng hộ Brexit ghét cay ghét đắng bởi họ là những người muốn hạn chế nhập cư.
Với Trung Quốc, các mối quan hệ cũng trở nên xấu hơn, vì "Trung Quốc vốn coi nước Anh như một cửa ngõ vào EU, do vậy sau Brexit, ngay lập tức Anh sẽ trở nên ít giá trị hơn đối với Bắc Kinh," tiến sỹ Reilly nhận định.
Vấn đề này cũng là một mối lo ngại lớn đối với các nước khác. "Các công ty hoặc các nhà đầu tư châu Á đang sử dụng nước Anh làm điểm nhập cảnh để đưa hàng hóa vào thị trường chung đơn nhất của EU sẽ không còn có thể làm như vậy theo các điều khoản tương tự.... Đây là một phần lý do tại sao các nhà sản xuất ôtô của Nhật Bản đã dừng các kế hoạch lắp ráp các xe mẫu mã mới tại Anh," ông Staton nói.
Sau khi ban đầu quyết định sản xuất dòng xe X-Trail mới ở Anh, hãng Nissan hồi tháng 2 vừa qua đã đảo ngược quyết định của họ, với lý do "không chắc chắn về Brexit."
Cùng thời điểm đó, các công ty dịch vụ tài chính ở các trung tâm châu Á như Hong Kong và Singapore vốn sử dụng London như "tấm hộ chiếu" để các dịch vụ của họ tiến vào EU - tiếp cận các thị trường tài chính EU thông qua các địa chỉ ở Anh - sẽ không còn có thể làm như vậy được nữa thời hậu Brexit.
Tuy nhiên, ngoài những tác động tiêu cực tiềm tàng đối với lĩnh vực kinh doanh và thương mại, còn có những thiệt hại mà tiến trình Brexit có thể gây ra đối với tài sản vô hình hơn của nước Anh - đó là "quyền lực mềm" ở châu Á.
Ông Staton nhận định: "Sự bất lực của hệ thống chính trị nước Anh trong việc tạo ra bất cứ điều gì tương tự như một kết quả hợp lý và kịp thời đã gây tổn thất nghiêm trọng cho danh tiếng của nước Anh trong khu vực," "Phản ứng của gần như hầu hết mọi người dân là nuối tiếc và thất vọng"./.