Brexit: EU không muốn dựng bức tường ngăn cách với Anh

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố EU không muốn dựng bức tường ngăn cách với Anh sau Brexit dù không thể tránh khỏi quan hệ gắn bó trước đó bị ảnh hưởng.
Brexit: EU không muốn dựng bức tường ngăn cách với Anh ảnh 1Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. (Nguồn: EPA)

Ngày 7/3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) không mong muốn dựng lên một bức tường ngăn cách với Vương quốc Anh sau Brexit dù không thể tránh khỏi mối quan hệ gắn bó trước đây sẽ bị ảnh hưởng.

Trong cuộc họp báo tại Luxembourg thông tin về dự thảo phương hướng chỉ đạo trong quan hệ giữa EU và nước Anh sau Brexit, ông Donald Tusk cho rằng Anh sẽ vẫn là người hàng xóm gần gũi nhất của EU và liên minh này muốn hai bên tiếp tục duy trì mối quan hệ bạn bè và đối tác gần gũi nhất có thể sau Brexit. Trên tinh thần đó, ông Donald Tusk đề xuất một sự hợp tác chặt chẽ giữa Anh và EU trên nhiều lĩnh vực.

Trước tiên, ông Tusk cho rằng EU và Anh cần tiếp tục cuộc chiến chung chống lại chủ nghĩa khủng bố và tội phạm quốc tế khi mà cả hai đều đang phải đối mặt với các mối đe dọa về an ninh tương tự nhau. Sự bất ổn trên thế giới ngày càng tăng đòi hỏi một sự hợp tác không ngừng trong các lĩnh vực quốc phòng và đối ngoại để đảm bảo tốt an ninh của công dân của cả hai phía.

[Liên minh châu Âu để ngỏ các giới hạn trong hợp tác với Anh]

Thứ hai, EU vẫn sẽ mời Anh tham gia vào các chương trình về nghiên cứu sáng tạo cũng như về giáo dục và văn hóa. Điều này đóng vai trò quan trọng để đảm bảo cho người lao động của cả hai phía tiếp tục được hưởng lợi và làm giàu trong các lĩnh vực chiến lược và cho những giá trị chung được phát triển trong tương lai.

Thứ ba, ông Tusk xác định cần tránh để xảy ra những hậu quả thái quá do Brexit mang lại, đơn cử như việc gây xáo trộn về giao thông hàng không giữa Anh và EU. Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho rằng hai bên cần phải thực hiện các cuộc đàm phán ngay lập tức để giải quyết vấn đề cấp bách này.

Về tương lai mối quan hệ kinh tế, ngày 1/3 tại London, Thủ tướng Anh Theresa May đã khẳng định với ông Donald Tusk rằng Anh sẽ rời thị trường chung châu Âu cũng như liên minh thuế quan và hệ thống xét xử của Tòa công lý châu Âu. Chính vì vậy, chỉ một mô hình khác duy nhất có thể thay thế cho mối quan hệ hiện nay là một thỏa thuận tự do thương mại.

Ông Tusk hy vọng thỏa thuận sẽ "đầy tham vọng và tiến bộ," đồng thời bày tỏ EU sẽ làm điều tốt nhất có thể cho Anh cũng tương tự như với các đối tác khác. Ông đề xuất hai bên cùng hướng đến một thỏa thuận thương mại bao trùm nhiều lĩnh vực với mức thuế suất bằng 0 cho tất cả các mặt hàng.

Các loại hình dịch vụ cũng cần được nhắc đến trong thỏa thuận tự do thương mại, tuy nhiên hiện chưa rõ những loại hình nào sẽ được quyền tiếp cận rộng rãi. Trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản, quan điểm tiếp cận của hai bên về các vùng nước hay về các nguồn lợi thủy sản vẫn sẽ được giữ nguyên.

Dù vậy, cách tiếp cận tích cực này không thay đổi một thực tế đơn giản là Anh và EU sẽ buộc phải xa rời nhau vì Brexit. Trên thực tế, một thỏa thuận tự do thương mại sẽ lần đầu tiên trong lịch sử nới lỏng các mối liên hệ kinh tế giữa EU và Anh thay vì tăng cường chúng.

Thỏa thuận cũng không thể làm cho mối quan hệ thương mại hai bên trôi chảy hay mềm mại hơn mà ngược lại nó sẽ khiến mọi thứ trở nên phức tạp và đắt đỏ hơn cho cả hai bên so với hiện tại, và đó cũng là bản chất của Brexit.

Ông Tusk nhấn mạnh EU tiến tới các cuộc đàm phán về tương lai với Anh trên tinh thần rộng mở, tích cực và mang tính xây dựng nhưng cũng rất thực tế. Theo quan điểm của ông Tusk, kết quả của các cuộc đàm phán sẽ buộc phải trải qua hai thử nghiệm then chốt.

Thứ nhất là cân bằng các quyền và nghĩa vụ. Thứ hai là thử nghiệm về tính toàn vẹn của thị trường chung. Hiện không một quốc gia thành viên nào của EU có quyền chỉ lựa chọn một số lĩnh vực của thị trường chung mà họ mong muốn, hay chỉ chấp nhận vai trò của Tòa công lý châu Âu khi các phán quyết có lợi cho họ.

Do đó, một quốc gia không phải thành viên EU sẽ càng không được phép làm những điều tương tự. EU quyết không hy sinh nguyên tắc này đơn giản vì điều đó không nằm trong lợi ích của khối.

Dự thảo về quan hệ tương lai Anh và EU đã được trình cho lãnh đạo 27 nước EU và sẽ phải được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra ngày 22-23/3 tại Brussels để có thể trở thành quan điểm chính thức trong các cuộc đàm phán thương mại với Anh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục