Theo mạng uk.news.yahoo.com mới đây, viễn cảnh nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã gây nên nhiều vấn đề không thể lường trước được cho tương lai quan hệ của EU với Anh.
Bên cạnh đó, điều này cũng đóng vai trò quan trọng đối với các mối quan hệ quốc tế khác, và đặc biệt là nó có thể tác động đến quan hệ thương mại và đầu tư giữa EU và Trung Quốc.
Vương quốc Anh lâu nay đã nắm giữ vị thế lãnh đạo ở châu Âu nếu xét trong khía cạnh quan hệ giữa châu Âu với Trung Quốc.
Thí dụ, London đã dẫn dắt các nước châu Âu tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu trong bối cảnh Mỹ phản đối điều này.
Với việc Anh rời EU, Trung Quốc đang đánh mất một quốc gia ủng hộ trong các vấn đề thương mại và đầu tư, vốn đang là trọng tâm trong quan hệ Trung Quốc-EU.
Trong những năm gần đây, châu Âu đã trở thành một điểm đến quan trọng cho đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc. Trong số các nước thành viên EU, Anh là nước tiếp nhận phần đầu tư lớn nhất trong số các khoản đầu tư của Trung Quốc rót vào EU.
Sự cởi mở của Anh đối với nguồn đầu tư của Trung Quốc diễn ra trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng, chẳng hạn như năng lượng và viễn thông, những lĩnh vực mà một số nước khác coi là nhạy cảm.
Mặc dù kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Eurozone, phản ứng ở châu Âu đối với hoạt động đầu tư của Trung Quốc nhìn chung là theo xu hướng hoan nghênh và chào đón, nhưng hiện vẫn có sự lo ngại đáng kể đối với các khoản đầu tư này.
Điển hình là vào mùa Hè năm ngoái Đức đã có những phản ứng khá gay gắt trước việc tập đoàn Midea của Trung Quốc thâu tóm công ty công nghệ Kuka.
Kể từ năm 2013, EU và Trung Quốc đã tiến hành các cuộc thương lượng nhằm đi đến một hiệp định đầu tư toàn diện. Cho đến nay, hai bên đã nhất trí về phạm vi của thỏa thuận, nhưng lại chưa nhất trí về các điều khoản thực sự của nó.
Thỏa thuận này bao gồm việc cải thiện sự tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư châu Âu và Trung Quốc, đồng thời cũng giải quyết những thách thức chủ chốt liên quan đến môi trường pháp lý, trong đó có việc bảo hộ cho các nhà đầu tư cũng như các khoản đầu tư của họ.
Với việc Anh rời EU, vấn đề mà Trung Quốc đang lo ngại là liệu một khi không có sự ủng hộ của Anh, các nước thành viên còn lại của EU có thông qua một lập trường hạn chế hơn đối với đầu tư của Trung Quốc hay không.
Những nước này có thể sẽ yêu cầu phải có sự "có đi có lại" đối với các khoản đầu tư của EU vào Trung Quốc. Nếu vậy, khả năng đạt được một thỏa thuận đầu tư toàn diện có thể sẽ vấp phải nhiều vấn đề.
Ngoài ra, Phòng Thương mại EU ở Trung Quốc lâu nay cũng phản đối chiến lược của Bắc Kinh về việc phát triển “các tập đoàn vô địch quốc gia” trong 10 lĩnh vực công nghệ chế tạo hiện đại.
Trao đổi thương mại giữa EU và Trung Quốc đạt hơn 1 tỷ euro hàng hóa mỗi ngày. EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU, sau Mỹ.
Trung Quốc đã từng yêu cầu một cách rõ ràng rằng EU phải công nhận Trung Quốc là “nền kinh tế thị trường” theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trước cuối năm 2016.
Anh đã từng là nước ủng hộ mạnh mẽ việc trao cho Trung Quốc địa vị là nền kinh tế thị trường cũng như ủng hộ thiết lập mối quan hệ thương mại cởi mở. Nước Anh cũng tỏ ý do dự trong việc ủng hộ những lời kêu gọi ở châu Âu về việc áp đặt các loại thuế và những hạn chế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Do hậu quả của Brexit, Trung Quốc đang "đánh mất" một nước thành viên quan trọng trong EU vốn có lập trường về các vấn đề thương mại và đầu tư luôn theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.
Với việc không có Anh, các tiếng nói trong EU nhằm ủng hộ những lợi ích của liên minh này sẽ được tăng cường một khi quan hệ với Trung Quốc.
Tình trạng công suất dư thừa hiện nay trong nhiều ngành công nghiệp của Trung Quốc và chiến lược của Bắc Kinh liên quan đến các lĩnh vực công nghệ cao có thể sẽ trở thành nguồn gốc gây nên sự bất đồng lớn hơn giữa EU với Trung Quốc./.