Ngày 7/8, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố London sẽ ứng phó được những rủi ro có thể phát sinh từ việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), đồng thời khẳng định Anh quyết tâm thực hiện Brexit.
Ngoại trưởng Anh đưa ra tuyên bố trên trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Washington.
Ông Dominic Raab nêu rõ: "Chúng tôi sẽ ứng phó được những rủi ro có thể phát sinh. Chúng tôi sẽ rời khỏi (EU) vào cuối tháng 10 tới và chúng tôi quyết tâm thực hiện thành công điều này."
Tại cuộc họp báo, hai Ngoại trưởng Raab và Pompeo cho biết Anh và Mỹ đều ủng hộ có một thỏa thuận thương mại song phương "càng sớm càng tốt."
Hai bên nhất trí cần tiến hành sớm các cuộc đàm phán thảo luận về thỏa thuận thương mại 2 chiều sau Brexit khiến Anh ra khỏi thỏa thuận thương mại Mỹ-EU.
Phát biểu trước báo giới, ông Raab nhấn mạnh: "Mỹ là đối tác thương mại song phương lớn nhất của chúng tôi. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định rõ ông muốn có một thỏa thuận tự do thương mại tham vọng với Anh, vì vậy tôi hy vọng chúng tôi có thể biến điều đó thành hiện thực càng sớm càng tốt sau khi chúng tôi rời khỏi EU vào ngày 31/10."
[Anh kỳ vọng sớm đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Mỹ]
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cũng khẳng định Washington ủng hộ "sự lựa chọn chủ quyền" của London rút khỏi EU cho dù có bất kỳ điều gì xảy ra.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh dù sao Brexit cũng gây xáo trộn, và hai bên sẽ sát cánh, sẵn sàng ký thỏa thuận thương mại tự do "vào thời gian sớm nhất có thể."
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cử các quan chức ngoại giao và thương mại hàng đầu tới Washignton ngày 7/8 với trọng tâm làm việc là vấn đề thương mại.
Trong bối cảnh chính phủ mới tại Anh quyết tâm thực hiện Brexit vào hạn chót ngày 31/10 tới, dù có một thỏa thuận với EU hay không, thì việc đạt được một hiệp định thương mại với Mỹ ngày càng trở nên quan trọng đối với London.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cho rằng trao đổi thương mại song phương sẽ "tăng theo cấp số nhân" sau khi Anh chính thức rời EU, và thỏa thuận thương mại song phương cũng là nội dung quan trọng trong cuộc điện đàm giữa ông Trump và Thủ tướng Johnson vài ngày sau khi nhà lãnh đạo Anh nhậm chức hồi tháng trước.
Theo số liệu của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, năm 2018, thặng dư thương của Mỹ với Anh là 20 tỷ USD. Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa hai bên đạt 262 tỷ USD.
Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Mỹ. Dịch vụ tài chính và máy bay là những hạng mục xuất khẩu chủ lực của Mỹ sang Anh, và ở chiều ngược lại, ôtô và du lịch là những hạng mục xuất khẩu hàng đầu./.