Brexit: Anh cân nhắc phương án thay thế nếu không đạt thỏa thuận

Anh có thể tìm kiếm một thỏa thuận "tối thiểu" hơn nữa với Liên minh châu Âu (EU) nếu các nghị sỹ Anh bác bỏ thỏa thuận "ly hôn" mà Thủ tướng Theresa May và EU nhất trí hồi tháng trước.
Brexit: Anh cân nhắc phương án thay thế nếu không đạt thỏa thuận ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May (trái) và lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn (phải) tại phiên họp của Hạ viện ở London ngày 17/12/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/12, lãnh đạo Hạ viện Anh Andrea Leadsom cho biết nước này có thể tìm kiếm một thỏa thuận "tối thiểu" hơn nữa với Liên minh châu Âu (EU) nếu các nghị sỹ Anh bác bỏ thỏa thuận "ly hôn" mà Thủ tướng Theresa May và EU nhất trí hồi tháng trước.

Theo bà Leadsom, chỉ còn 99 ngày nữa Anh sẽ chính thức rời EU (ngày 29/3), và nếu Quốc hội Anh không thông qua những điều khoản mà Thủ tướng May đã nhất trí, thì một cuộc chia tay không thỏa thuận nhưng "có kiểm soát" sẽ là một phương án.

Phát biểu với đài BBC, bà Leadsom cho biết "trong trường hợp Quốc hội không thể thông qua thỏa thuận của Thủ tướng thì điều cần làm là xem xét các phương án thay thế, và một Brexit không thỏa thuận có kiểm soát, trong đó hai bên phối hợp triển khai, sẽ là một giải pháp thay thế mà EU có thể thấy rõ cũng phù hợp với lợi ích của họ."

Bà Leadsom nêu rõ bà đang tìm một phương án thay thế trong trường hợp không nhất trí được về thỏa thuận trên. Bà nhấn mạnh có thể có một thỏa thuận có cách tiếp cận "tối thiểu" hơn để tránh bờ vực.

Trong khi đó, Bộ trưởng Việc làm và Lương hưu của Anh, bà Amber Rudd đề cập khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về Brexit.

[EU phê chuẩn kế hoạch dự phòng cho Brexit "không thỏa thuận"]

Phát biểu trên kênh truyền hình ITV, bà Rudd cho biết bà nêu ra khả năng "trong trường hợp các nghị sỹ Quốc hội hoàn toàn không đạt được đồng thuận về thỏa thuận mà chính phủ Anh và EU thông qua hồi tháng trước và không nhất trí được về một phương án thay thế."

Bộ trưởng Rudd nêu rõ "nói chung tôi không muốn một cuộc trưng cầu ý dân nữa, nhưng nếu các nghị sỹ không thể thống nhất một hướng đi chung thì có thể thấy khả năng đưa vấn đề trở lại cho người dân quyết định."

Tuy nhiên, Thủ tướng May đã nhiều lần loại bỏ khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai vì cho rằng điều này sẽ chỉ gây thêm chia rẽ và không thể giải quyết được câu hỏi đặt ra lúc này.

Hiện Quốc hội Anh vẫn còn chia rẽ sâu sắc về thỏa thuận Brexit mà Chính phủ nước này và EU thông qua hồi tháng trước. Nếu thỏa thuận này không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, dự kiến diễn ra vào giữa tháng Một tới, nước này sẽ đứng trước ba lựa chọn là chấp nhận một thỏa thuận "phút chót," hủy tiến trình Brexit bằng cách đảo ngược điều 50 của Hiệp ước Lisbon, hoặc rời EU mà không có thỏa thuận.

Kịch bản xấu nhất là Brexit không thỏa thuận, đồng nghĩa "cắt đứt đột ngột" không thời kỳ chuyển tiếp và để lại những hậu quả nặng nề về kinh tế và thương mại với quốc gia này và cũng ảnh hưởng không nhỏ tới EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục