Brexit: Anh cân nhắc giữ nguyên mô hình kinh tế, xã hội của EU

Anh không có ý định giảm thuế xuống dưới mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) để duy trì sức cạnh tranh sau Brexit mà có thể vẫn giữ mô hình xã hội và kinh tế của EU.
Brexit: Anh cân nhắc giữ nguyên mô hình kinh tế, xã hội của EU ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond sau một cuộc họp ở London ngày 28/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Anh không có ý định giảm thuế xuống dưới mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) để duy trì sức cạnh tranh sau Brexit mà có thể vẫn giữ mô hình xã hội và kinh tế của EU.

Trả lời phỏng vấn báo Le Monde của Pháp hồi cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho biết London không có kế hoạch hay tầm nhìn về tương lai theo kiểu cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực tài chính.

[Giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit có thể kéo dài tới năm 2022]

Theo ông, mức thuế mà Anh tăng lên được tính theo tỷ lệ phần trăm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nằm trong mức trung bình của EU và Anh dự định sẽ duy trì ở mức này.

Ông nhấn mạnh thậm chí sau khi Anh rời khỏi EU, nước này sẽ vẫn giữ mô hình văn hóa, kinh tế và xã hội như của EU.

Tuyên bố trên của Bộ trưởng Hammond được cho là khác hẳn với phát biểu mà ông đưa ra hồi đầu năm khi trả lời phỏng vấn báo Welt am Sonntag (báo Thế giới Chủ nhật) của Đức.

Khi đó, ông Hammond cảnh cáo Anh sẽ sử dụng thuế doanh nghiệp như một đòn bẩy trong đàm phán Brexit. Anh có thể thay đổi mô hình kinh tế để duy trì cạnh tranh trong trường hợp nước này rời khỏi "mái nhà chung" EU mà không đạt được một thỏa thuận về tiếp cận thị trường.

Hiện, Anh và EU đã tiến hành 2 vòng đàm phán về vấn đề Brexit, song còn tồn tại rất nhiều mâu thuẫn, nhất là lĩnh vực tài chính và quyền lợi của công dân EU tại Anh.

Theo kế hoạch, vòng đàm phán thứ 3 sẽ bắt đầu từ ngày 28/8 tới. Các nhà đàm phán đang hết sức nỗ lực để đạt một thỏa thuận từ nay đến cuối năm 2018. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, nước Anh sẽ chính thức rời EU vào tháng 3/2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục