Brazil yêu cầu Meta giải thích thay đổi trong kiểm tra thông tin

Ngày 10/1, Tổng chưởng lý Brazil Jorge Messias thông báo Chính phủ Brazil sẽ cho Meta 72 tiếng, tới ngày 13/1 tới, để giải thích về những thay đổi trong chính sách kiểm tra thông tin.
Biểu tượng Meta tại California, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 10/1, Tổng chưởng lý Brazil Jorge Messias thông báo Chính phủ Brazil sẽ cho Meta 72 tiếng, tới ngày 13/1 tới, để giải thích về những thay đổi trong chính sách kiểm tra thông tin.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, phát biểu với báo giới tại Brasilia, ông Messias cho biết hiện Chính phủ Brazil rất quan ngại trước quyết định nới lỏng chính sách kiểm duyệt nội dung của Meta, đồng thời yêu cầu tập đoàn này cung cấp thông tin “về các biện pháp đang được thực hiện để hạn chế bạo lực giới, bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên, phòng chống phân biệt chủng tộc, kỳ thị người đồng tính, phòng chống tự tử, tử vong, ngôn từ kích động thù địch và các vấn đề về quyền cơ bản khác.”

Tổng trưởng lý Messias cũng yêu cầu Meta làm rõ liệu có công bố minh bạch các báo cáo về việc kiểm tra thông tin sai lệch được thực hiện thông qua ghi chú cộng đồng hay không, một phương pháp gần đây được mạng xã hội X áp dụng.

Cùng ngày, trong cuộc điện đàm kéo dài 30 phút với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về vấn đề này, Tổng thống Brazil Lula da Silva hoan nghênh Chính phủ Pháp đã phản đối việc Meta tuyên bố nới lỏng kiểm tra thông tin đăng tải trên Facebook, Instagram và WhatsApp.

Thông cáo của Phủ Tổng thống Brazil cho biết trong cuộc trao đổi, Tổng thống Lula da Silva nhấn mạnh “tự do ngôn luận không có nghĩa là tự do phát tán những lời dối trá, định kiến ​​và lăng mạ.”

Hai nhà lãnh đạo đánh giá tích cực hợp tác chặc chẽ giữa Brazil và châu Âu trong ngăn chặn việc phát tán tin tức giả mạo "gây nguy hiểm cho chủ quyền của các quốc gia, nền dân chủ và các quyền cơ bản của công dân".

Trước đó, ngày 9/1, Tổng thống Lula da Silva tuyên bố việc nới lỏng kiểm duyệt thông tin của Meta "rất nghiêm trọng" và đã yêu cầu triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 10/1 để xem xét những tác động của chính sách này đối với Brazil.

Meta vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về những chỉ trích và yêu cầu của Brazil./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục