Brazil sẵn sàng đối phó với những biến động của đồng USD

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff ngày 26/9 khẳng định nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào của nước này cho phép nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh sẵn sàng đối phó với những biến động của đồng USD.
Brazil sẵn sàng đối phó với những biến động của đồng USD ảnh 1Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. (Nguồn: AP)

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff ngày 26/9 khẳng định nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào của nước này cho phép nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh sẵn sàng đối phó với những biến động của đồng USD.

Phát biểu tại thành phố New York bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, bà Rousseff cho biết việc đồng nội tệ Brazil bị rớt giá xuống mức kỷ lục 4,24 real/USD trong tuần qua do thị trường chứng khoán nước này lao dốc. Bà nhận định diễn biến đó không đáng lo ngại và Ngân hàng Trung ương vẫn đang kiểm soát tình hình.

Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Joaquim Levy cho biết nguồn dự trữ ngoại tệ của Brazil hiện ở mức 370 tỷ USD và nền kinh tế đang trên đà hồi phục, đồng thời khẳng định quyết tâm của chính phủ trong việc cắt giảm chi tiêu và kiềm chế lạm phát và lên kế hoạch cắt giảm ngân sách gần 23 tỷ USD.

Brazil sẵn sàng đối phó với những biến động của đồng USD ảnh 2(Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: theneweconomy.com)

Trước việc đồng nội tệ bị rớt giá đáng kể so với đồng USD trong tuần qua, Ngân hàng Trung ương Brazil đã mở bán USD từ nguồn dự trữ ngoại tệ để giữ giá đồng real, điều chưa từng xảy ra kể từ năm 2009. Với sự can thiệp này, đồng real đã hồi phục và giao dịch ở mức 3,97 real/USD hôm 25/9. Từ đầu năm tới nay, đồng real đã bị mất giá tới 35%.

Nhiều chuyên gia cho rằng có bàn tay thao túng của giới đầu cơ tài chính trong việc đồng real mất giá, tuy nhiên cũng có ý kiến những gì đang diễn ra phản ánh đúng tình hình kinh tế và chính trị khó khăn hiện nay ở quốc gia Nam Mỹ.

Triển vọng kinh tế của Brazil hiện khá ảm đạm sau khi các biện pháp tài chính nhằm thúc đẩy kinh tế trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Dilma Rousseff đã không hiệu quả và làm ảnh hưởng tới ngân quỹ quốc gia.

Theo thống kê, năm ngoái, thâm hụt ngân sách ban đầu của Brazil tương đương 0,63% GDP và sau trả lãi lên tới 6,7% GDP, mức cao nhất kể từ năm 2002.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc Brazil mất kiểm soát chi tiêu trong năm 2014 đe dọa tăng cao nợ công của nền kinh tế này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục