Ngày 4/6, Cơ quan Không gian quốc gia Brazil (INPE) công bố số liệu cho thấy trong tháng 5/2021, diện tích rừng Amazon tại nước này bị tàn phá đã lên tới 1.180km2, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức kỷ lục theo tháng được ghi nhận.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Mỹ, tổ chức phi chính phủ chuyên về môi trường Observatorio do Clima cho rằng số liệu trên nói lên thực trạng đáng lo ngại do tháng 5 đánh dấu mùa khô đã bắt đầu tại Brazil, dẫn đến nạn phá rừng lấy đất canh tác nông nghiệp có thể sẽ tiếp tục gia tăng tại phần lớn khu vực Amazon trong thời gian tới.
Trong 5 tháng đầu năm nay, nạn phá rừng lấy gỗ và dành đất cho các hoạt động nông nghiệp đã khiến khu vực rừng rậm Amazon mất khoảng 2.337km2 diện tích.
Nạn khai thác gỗ bất hợp pháp và số vụ cháy rừng tại Brazil đã tăng vọt kể từ khi Tổng thống Jair Bolsonaro nhậm chức vào năm 2019.
[94% các hoạt động khai thác rừng Amazon ở Brazil là phi pháp]
Các nhóm bảo vệ môi trường cho rằng vấn nạn phá rừng gia tăng là do chính phủ của ông Bolsonaro phát triển ngành khai khoáng và nông nghiệp tại các khu vực rừng rậm, cũng như cắt giảm tài trợ cho các chương trình bảo vệ môi trường.
Hiện nhà lãnh đạo này đang chịu sức ép lớn của cộng đồng quốc tế kêu gọi cải thiện hình ảnh Chính phủ Brazil bảo vệ môi trường cũng như chịu sức ép từ các doanh nghiệp, vốn lo ngại hình ảnh không tốt hiện nay sẽ tác động đến các nhà xuất khẩu thịt bò và đậu tương hàng đầu thế giới.
Theo tổ chức Observatorio do Clima, nếu tình trạng trên tiếp tục gia tăng trong hai tháng tới, nạn phá rừng vào năm 2021 (số liệu được đo đạc từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2021) sẽ lên mức tăng kỷ lục trong năm thứ 4 liên tiếp.
Trong giai đoạn từ tháng 8/2019 đến tháng 7/2020, Brazil mất 9.216 km2 rừng Amazon (gần bằng diện tích vùng lãnh thổ Puerto Rico của Mỹ), tăng 34% so một năm trước đó.
Rừng Amazon là một khu rừng lá rộng đất ẩm ở lưu vực Amazon của Nam Mỹ có diện tích khoảng 5,5 triệu km2, trải dài qua lãnh thổ của 9 nước gồm Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Surinam cùng Guyana thuộc Pháp.
Các bang hoặc tỉnh của 4 quốc gia được đặt tên Amazonas theo tên khu rừng này. Rừng mưa Amazon chiếm hơn 50% rừng mưa còn lại của Trái Đất và bao gồm một dải rừng mưa nhiệt đới lớn nhất và phong phú nhất về loài cây, động vật trên thế giới.
Rừng mưa Amazon là một khu bảo tồn thiên nhiên trên thế giới và khu dự trữ sinh quyển cho loài người. Chính vì vậy, bảo tồn các loài động vật quý hiếm và các loại tài nguyên, nhất là nguồn tài nguyên sinh vật tại khu vực này, cũng là nhằm bảo vệ sự tồn tại và phát triển của thế giới loài người./.