Ngày 26/8, các nhà chức trách Brazil bày tỏ quan ngại về khả năng xuất hiện làn sóng tẩy chay hàng hóa Brazil tại nhiều quốc gia trên thế giới, sau khi xảy ra hàng loạt vụ cháy rừng Amazon trong hơn 3 tuần qua.
Theo các phương tiện truyền thông Brazil, trên mạng xã hội đã bắt đầu xuất hiện phong trào tẩy chay những mặt hàng “made in Brazil,” gây ra những phản ứng của giới doanh nghiệp trong nước.
[Lời cảnh báo khẩn cấp từ Amazon - 'lá phổi xanh' của Trái Đất]
Chiến dịch kêu gọi không tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc động vật từ Brazil và thậm chí hủy các chuyến du lịch tới quốc gia Nam Mỹ này.
Phần Lan, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), thông báo sẽ đề xuất với các nước châu Âu cấm nhập khẩu thịt bò của Brasilia nhằm phản đối chính sách môi trường, hoạt động quản lý và phòng chống cháy rừng Amazon của chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro.
Cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Blairo Maggi cảnh báo khả năng xuất hiện làn sóng tẩy chay hàng hóa của Brazil, bởi nước này là một đối thủ cạnh tranh mạnh tại châu Âu và nhiều thị trường khác.
Về phần mình, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Brazil Welber Barral bày tỏ mối quan ngại tương tự, đồng thời cho biết đây là một hình thức hàng rào phi thuế quan, làn sóng bảo hộ và chiến tranh thuế quan toàn cầu.
Brazil sở hữu diện tích đất rừng nhiều nhất thế giới, song quốc gia Nam Mỹ này cũng là nước bị mất nhiều diện tích rừng nhất trong năm 2018.
Nguyên nhân chủ yếu do phá rừng phục vụ cho các hoạt động chăn nuôi gia súc, trồng đậu tương, khai thác mỏ và cháy rừng.
Theo số liệu báo cáo của Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE), tính đến ngày 24/8, trên cả nước Brazil ghi nhận khoảng 80.000 vụ cháy rừng - cao nhất kể từ năm 2013 và tăng 83% so với năm ngoái./.