Brazil nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng

Ngân hàng trung ương Brazil công bố các biện pháp nới lỏng yêu cầu dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, giúp bơm khoảng 13 tỷ USD vào thị trường.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: openmarkets.cmegroup.com)

Nhằm khôi phục nền kinh tế vốn tăng trưởng chậm chạp nhiều năm qua, Ngân hàng trung ương Brazil hôm cuối tuần công bố các biện pháp nới lỏng yêu cầu dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, giúp bơm khoảng 30 tỷ reals (tương đương 13 tỷ USD) vào thị trường.

Trong thông báo, Ngân hàng trung ương Brazil cho biết quyết định trên là nhằm cải thiện việc phân bố khả năng thanh khoản của nền kinh tế, trong bối cảnh dòng tín dụng giảm, tỷ lệ vỡ nợ tương đối thấp và nguy cơ của hệ thống tài chính giảm.

Trong khi đó, lượng dự trữ của hệ thống ngân hàng đã tăng từ mức 88 tỷ USD năm 2009 lên 182 tỷ USD như hiện nay, cho phép ngân hàng sử dụng một phần lượng dự trữ để tăng dòng tiền mặt.

Với những quy định mới, các ngân hàng thương mại được phép sử dụng thêm 50% lượng dự trữ bắt buộc cho các hoạt động tín dụng, để cho vay mới và đa dạng hóa các danh mục vốn đầu tư.

Ngoài ra, cách tính lượng dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại nhằm đảm bảo các khoản vay chưa giải quyết cũng được thay đổi dựa trên số khoản vay đến hạn thay vì tổng kỳ hạn của khoản vay.

Theo tính toán của các chuyên gia, việc thay đổi cách tính này cũng giúp tăng thêm 6,7 tỷ USD vào hệ thống tiền tệ. Ngân hàng trung ương Brazil cũng nới lỏng các quy định cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ.

Tuy nhiên, trái ngược với các mục tiêu tốt đẹp của chính sách mới này, các nhà kinh tế tỏ ra hoài nghi về khả năng thành công của các quy định mới. Đặc biệt, nhiều chuyên gia cho rằng các biện pháp nới lỏng tiền tệ này sẽ đẩy cuộc chiến giữ tỷ lệ lạm phát dưới 6,5% của nền kinh tế này vào vô vọng.

Sau năm 2010 với nhịp độ tăng trưởng 7,5%, nền kinh tế Brazil liên tục ghi nhận mức tăng trưởng thấp 2,7%, 1% và 2,5% lần lượt trong ba năm kế tiếp.

Dự báo nhịp độ tăng trưởng năm 2014 của nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh cũng chỉ ở mức 1%. Nền kinh tế ảm đạm cũng là một trong những nguyên nhân khiến hàng triệu người Brazil đổ xuống đường biểu tình trong năm 2013./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục