Trong thời gian gần đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên thế giới đang dần suy kiệt do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và đà suy giảm tăng trưởng ở hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới. Tuy nhiên, dòng vốn này vẫn đang chảy mạnh vào Brazil.
Năm ngoái, nước này đã thu hút được 66,7 tỷ USD vốn FDI, chiếm 30,3% trong tổng số vốn FDI đổ vào khu vực Mỹ Latinh, Caribe và tăng mạnh so với con số 19 tỷ USD của năm 2006.
Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến Brazil trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài là do quốc gia Nam Mỹ này có lực lượng lao động dồi dào, tài nguyên thiên nhiên phong phú và một thị trường lớn thứ năm thế giới, với số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Ngôi sao sáng về FDI
Theo báo cáo “Giám sát Xu hướng Đầu tư Toàn cầu” do tổ chức Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố hồi cuối tháng 10/2012, trong 6 tháng đầu năm nay, vốn FDI toàn cầu chỉ đạt 668 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, dòng vốn FDI chảy vào khu vực Mỹ Latinh và Caribe vẫn tiếp tục tăng mạnh (đạt 117 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái).
Đáng chú ý, Brazil vẫn là nước thu hút nhiều vốn FDI nhất ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe khi thu hút được hơn 29,7 tỷ USD, chiếm 25,3% trong tổng số vốn FDI vào khu vực này. Chile, nước đã vượt qua Mexico để trở thành điểm đến hấp dẫn thứ hai trong khu vực này, cũng chỉ thu hút được 12,3 tỷ USD.
Theo đánh giá của UNTACD, lý do khiến dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Nam Mỹ là khu vực này rất giàu tài nguyên, có tốc độ tăng trưởng tương đối cao và sự chênh lệch về lãi suất cao. Đáng chú ý, hai năm trước, Brazil - nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới về sức mua tương đương (PPP) - đã đạt tốc độ tăng trưởng lên tới 7,5%.
Trong khi đó, các chuyên gia của Ủy ban Kinh tế của Liên Hợp Quốc về Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC) lại cho rằng sự ổn định và khả năng phục hồi nhanh chóng của các nền kinh tế trong khu vực là một trong hai nguyên nhân chủ yếu khiến khu vực Mỹ Latinh trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Riêng đối với trường hợp Brazil, theo các chuyên gia phân tích, ngoài các nhân tố trên, những nhân tố khác làm tăng sức hấp dẫn của Brazil - đó là nước này có lực lượng lao động dồi dào và thị trường lớn (193 triệu dân, đứng thứ 5 thế giới về dân số).
Các thách thức vẫn ở phía trước
Mặc dù đang nổi lên như một ngôi sao sáng trên bản đồ FDI ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe nhưng Brazil đang phải đối mặt rất nhiều thách thức trong việc duy trì sự hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Thách thức đầu tiên là nguy cơ suy giảm tăng trưởng. Cũng giống như Trung Quốc, kể từ giữa năm 2011, đà tăng trưởng của nền kinh tế Brazil có dấu hiệu chững lại. Trong quý 2/2012, nền kinh tế này chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 1,6%.
Nhận thức rõ nguy cơ này, chính quyền của Tổng thống Dilma Rousseff đã tung ra hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế, như giảm thuế và bơm vốn vào nền kinh tế. Để hỗ trợ các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ, các nhà quản lý tiền tệ Brazil cũng cắt giảm mạnh lãi suất.
Nhờ vậy, nền kinh tế Brazil đang dần phục hồi sau gần 1 năm rơi vào tình trạng trì trệ. Các thành viên trong nhóm chuyên gia kinh tế của Tổng thống Rousseff tin tưởng rằng GDP của nước này sẽ tăng hơn 5% trong quý 3/2012 và 4% trong quý tiếp đó.
Bên cạnh đó, thuế suất và chi phí nhân công vẫn còn cao, cơ sở hạ tầng chưa phát triển và tệ quan liêu là những nhân tố đang cản trở dòng vốn FDI chảy vào Brazil. Làm thế nào để giải quyết các vấn đề này là một thách thức không nhỏ đối với chính quyền của Tổng thống Rousseff trong giai đoạn hiện nay.
Một thách thức khác từ bên ngoài là sự cạnh tranh quyết liệt từ các nền kinh tế khác trong khu vực trong việc thu hút vốn FDI. Điều này khiến nhiều người lo ngại dòng vốn FDI vào Brazil có thể sẽ giảm dần. Theo ECLAC, trong 6 tháng đầu năm nay, dòng vốn FDI vào Chile - nền kinh tế lớn thứ sáu ở khu vực Mỹ Latinh - tăng hơn 80%, vào Áchentina - nền kinh tế lớn thứ hai khu vực - tăng gần 42%, và vào nước Cộng hòa Đôminica thậm chí còn tăng tới 145%. Trong khi đó, dù vẫn dẫn đầu khu vực nhưng dòng vốn FDI vào Brazil lại giảm 8,6%.
Tuy nhiên, đối thủ lớn nhất của Brazil lại không phải là bất cứ quốc gia nào trong khu vực. Theo nhận định của UNTACD, sức hấp dẫn của Brazil, với tư cách điểm đến hàng đầu của các dòng vốn FDI, đang bị Indonesia làm lu mờ.
Kết quả thăm dò gần đây của UNTACD đối với 174 tập đoàn lớn trên thế giới cho thấy Indonesia đã chiếm mất vị trí thứ tư của Brazil trong bảng xếp hạng những điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong vòng 2 năm tới. Brazil hiện chỉ đứng ở vị trí thứ năm trong bảng xếp hạng của UNTACD.
Mặc dù vậy, gần đây, ngân hàng trung ương Brazil vẫn nâng dự báo về FDI vào nước này trong năm 2012 từ mức 50 tỷ USD trước đây lên 60 tỷ USD. Trong khi đó, phát biểu tại một hội thảo được tổ chức ở Tokyo vào cuối tháng trước, chuyên gia Yasushi Ninomiya của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) vẫn dự báo dòng vốn FDI chảy vào Brazil sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Nếu các dự báo trên đúng, ngôi sao mang tên Brazil sẽ tiếp tục lấp lánh trên bầu trời Nam Mỹ./.
Năm ngoái, nước này đã thu hút được 66,7 tỷ USD vốn FDI, chiếm 30,3% trong tổng số vốn FDI đổ vào khu vực Mỹ Latinh, Caribe và tăng mạnh so với con số 19 tỷ USD của năm 2006.
Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến Brazil trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài là do quốc gia Nam Mỹ này có lực lượng lao động dồi dào, tài nguyên thiên nhiên phong phú và một thị trường lớn thứ năm thế giới, với số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Ngôi sao sáng về FDI
Theo báo cáo “Giám sát Xu hướng Đầu tư Toàn cầu” do tổ chức Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố hồi cuối tháng 10/2012, trong 6 tháng đầu năm nay, vốn FDI toàn cầu chỉ đạt 668 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, dòng vốn FDI chảy vào khu vực Mỹ Latinh và Caribe vẫn tiếp tục tăng mạnh (đạt 117 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái).
Đáng chú ý, Brazil vẫn là nước thu hút nhiều vốn FDI nhất ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe khi thu hút được hơn 29,7 tỷ USD, chiếm 25,3% trong tổng số vốn FDI vào khu vực này. Chile, nước đã vượt qua Mexico để trở thành điểm đến hấp dẫn thứ hai trong khu vực này, cũng chỉ thu hút được 12,3 tỷ USD.
Theo đánh giá của UNTACD, lý do khiến dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Nam Mỹ là khu vực này rất giàu tài nguyên, có tốc độ tăng trưởng tương đối cao và sự chênh lệch về lãi suất cao. Đáng chú ý, hai năm trước, Brazil - nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới về sức mua tương đương (PPP) - đã đạt tốc độ tăng trưởng lên tới 7,5%.
Trong khi đó, các chuyên gia của Ủy ban Kinh tế của Liên Hợp Quốc về Mỹ Latinh và Caribe (ECLAC) lại cho rằng sự ổn định và khả năng phục hồi nhanh chóng của các nền kinh tế trong khu vực là một trong hai nguyên nhân chủ yếu khiến khu vực Mỹ Latinh trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Riêng đối với trường hợp Brazil, theo các chuyên gia phân tích, ngoài các nhân tố trên, những nhân tố khác làm tăng sức hấp dẫn của Brazil - đó là nước này có lực lượng lao động dồi dào và thị trường lớn (193 triệu dân, đứng thứ 5 thế giới về dân số).
Các thách thức vẫn ở phía trước
Mặc dù đang nổi lên như một ngôi sao sáng trên bản đồ FDI ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe nhưng Brazil đang phải đối mặt rất nhiều thách thức trong việc duy trì sự hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Thách thức đầu tiên là nguy cơ suy giảm tăng trưởng. Cũng giống như Trung Quốc, kể từ giữa năm 2011, đà tăng trưởng của nền kinh tế Brazil có dấu hiệu chững lại. Trong quý 2/2012, nền kinh tế này chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 1,6%.
Nhận thức rõ nguy cơ này, chính quyền của Tổng thống Dilma Rousseff đã tung ra hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế, như giảm thuế và bơm vốn vào nền kinh tế. Để hỗ trợ các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ, các nhà quản lý tiền tệ Brazil cũng cắt giảm mạnh lãi suất.
Nhờ vậy, nền kinh tế Brazil đang dần phục hồi sau gần 1 năm rơi vào tình trạng trì trệ. Các thành viên trong nhóm chuyên gia kinh tế của Tổng thống Rousseff tin tưởng rằng GDP của nước này sẽ tăng hơn 5% trong quý 3/2012 và 4% trong quý tiếp đó.
Bên cạnh đó, thuế suất và chi phí nhân công vẫn còn cao, cơ sở hạ tầng chưa phát triển và tệ quan liêu là những nhân tố đang cản trở dòng vốn FDI chảy vào Brazil. Làm thế nào để giải quyết các vấn đề này là một thách thức không nhỏ đối với chính quyền của Tổng thống Rousseff trong giai đoạn hiện nay.
Một thách thức khác từ bên ngoài là sự cạnh tranh quyết liệt từ các nền kinh tế khác trong khu vực trong việc thu hút vốn FDI. Điều này khiến nhiều người lo ngại dòng vốn FDI vào Brazil có thể sẽ giảm dần. Theo ECLAC, trong 6 tháng đầu năm nay, dòng vốn FDI vào Chile - nền kinh tế lớn thứ sáu ở khu vực Mỹ Latinh - tăng hơn 80%, vào Áchentina - nền kinh tế lớn thứ hai khu vực - tăng gần 42%, và vào nước Cộng hòa Đôminica thậm chí còn tăng tới 145%. Trong khi đó, dù vẫn dẫn đầu khu vực nhưng dòng vốn FDI vào Brazil lại giảm 8,6%.
Tuy nhiên, đối thủ lớn nhất của Brazil lại không phải là bất cứ quốc gia nào trong khu vực. Theo nhận định của UNTACD, sức hấp dẫn của Brazil, với tư cách điểm đến hàng đầu của các dòng vốn FDI, đang bị Indonesia làm lu mờ.
Kết quả thăm dò gần đây của UNTACD đối với 174 tập đoàn lớn trên thế giới cho thấy Indonesia đã chiếm mất vị trí thứ tư của Brazil trong bảng xếp hạng những điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong vòng 2 năm tới. Brazil hiện chỉ đứng ở vị trí thứ năm trong bảng xếp hạng của UNTACD.
Mặc dù vậy, gần đây, ngân hàng trung ương Brazil vẫn nâng dự báo về FDI vào nước này trong năm 2012 từ mức 50 tỷ USD trước đây lên 60 tỷ USD. Trong khi đó, phát biểu tại một hội thảo được tổ chức ở Tokyo vào cuối tháng trước, chuyên gia Yasushi Ninomiya của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) vẫn dự báo dòng vốn FDI chảy vào Brazil sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Nếu các dự báo trên đúng, ngôi sao mang tên Brazil sẽ tiếp tục lấp lánh trên bầu trời Nam Mỹ./.
Thanh Tùng (TTXVN)