Brazil gợi ý về "G20 chính trị" làm trung gian giữa Nga và Ukraine

Tổng thống Brazil Lula da Silva nhấn mạnh ở thời điểm hiện tại, điều quan trọng là tạo ra một G20 kiểu khác để nhanh chóng tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine và thiết lập hòa bình.
Brazil gợi ý về "G20 chính trị" làm trung gian giữa Nga và Ukraine ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva (trái) tại cuộc gặp ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 14/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 16/4, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cho biết ông đã thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) về khả năng làm trung gian hòa giải cho cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Theo hãng tin AFP của Pháp, Tổng thống Lula da Silva, người vừa thăm chính thức tới Trung Quốc và UAE, cho biết hai nước này cùng những nước khác nên tham gia vào một "G20 chính trị" (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) để nhanh chóng tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Ông nhấn mạnh G20 được thành lập để giải cứu nền kinh tế (thế giới) đang gặp khủng hoảng.

Ở thời điểm hiện tại, điều quan trọng là tạo ra một G20 kiểu khác để chấm dứt cuộc chiến này và thiết lập hòa bình.

Phát biểu với báo giới tại Abu Dhabi, nhà lãnh đạo cánh tả này cho rằng hai bên tham chiến đều không đưa ra sáng kiến gì để ngăn chặn chiến tranh, trong khi phương Tây tiếp tục hỗ trợ để cuộc chiến tiếp diễn. Do vậy, các bên cần ngồi vào bàn đàm phán và tìm giải pháp chấm dứt tình trạng này.

Tổng thống Lula da Silva cho biết ông đã thảo luận với Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc thành lập một nhóm các quốc gia làm trung gian hòa giải, theo kiểu nhóm G20.

Không giống như các cường quốc phương Tây, cả Trung Quốc và Brazil đều không áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trong khi UAE đã duy trì lập trường trung lập đối với cuộc xung đột này.

Brazil gợi ý về "G20 chính trị" làm trung gian giữa Nga và Ukraine ảnh 2Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan (phải) và Tổng thống Brazil Lula da Silva tại cuộc gặp ở Abu Dhabi, ngày 15/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước đó, ngày 2/3, Tổng thống Lula da Silva cho biết ông đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, trong đó nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ này nhắc lại đề xuất về việc Brazil đóng vai trò trung gian hòa giải quốc tế trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Lula da Silva tái khẳng định mong muốn của Brazil tham gia vào các sáng kiến quốc tế nhằm xây dựng hòa bình tại Ukraine.

Tổng thống Brazil đã đề xuất “tập hợp một nhóm quốc gia có khả năng đàm phán với cả hai bên trong cuộc xung đột để thúc đẩy hòa bình.”

Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra một ngày sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov bên lề Hội nghị Ngoại trưởng G20 ở Ấn Độ.

[Brazil thúc đẩy giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga-Ukraine]

Trong khi nhiều nước phương Tây đã gửi vũ khí đến Ukraine, Tổng thống Lula da Silva đã nhiều lần từ chối yêu cầu chuyển giao vũ khí và đạn dược cho chính quyền Kiev.

Thay vào đó, nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ này bày tỏ mong muốn tham gia cùng một số quốc gia khác trong việc thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình giữa hai bên xung đột.

Brazil gợi ý về "G20 chính trị" làm trung gian giữa Nga và Ukraine ảnh 3Binh sỹ Ukraine nã đạn pháo nhằm vào các mục tiêu của Nga ở ngoại ô Bakhmut, ngày 8/11/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Lula da Silva lần đầu tiên công khai đề xuất trên trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Brasilia hôm 30/1.

Ông cũng đã trình bày ý tưởng về hòa giải quốc tế này với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Trong chuyến thăm Bồ Đào Nha, ngày 22/4, Tổng thống Brazil Lula da Silva tuyên bố cần phải "chọn cách thức thứ ba" để kiến tạo một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Phát biểu tại Lisbon, Tổng thống Lula da Silva nêu rõ: "Tôi không muốn làm hài lòng bất kỳ ai. Tôi muốn tìm ra một cách thức để đưa hai bên (Nga và Ukraine) ngồi vào bàn đàm phán."

Ngày 18/4, trả lời phỏng vấn đăng tải trên báo Folha de Sao Paulo, Cố vấn Tổng thống Brazil về các vấn đề quốc tế, ông Selsu Amorim nhấn mạnh: "Tăng cường sức mạnh quân sự của một nước hay áp đặt trừng phạt một nước khác không giúp đạt được hòa bình. Điều này không hỗ trợ đối thoại và không tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán. Điều này chỉ kéo dài xung đột, cho dù cố ý hay không."

Quan chức Brazil cũng chỉ trích các tuyên bố về ý định làm suy yếu nước Nga hoặc đánh bại nước Nga. Ông nhấn mạnh Nga là một nước lớn và quan trọng của thế giới, đồng thời là một đối tác của Brazil.

Cố vấn Amorin đồng thời kêu gọi các nước đồng minh của Ukraine không cản trở tiến trình đàm phán hòa bình ở Đông Âu, khẳng định Brazil ủng hộ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục