Chính phủ lâm thời Brazil ngày 20/6 thông báo giảm nợ khẩn cấp 50 tỷ real (15 tỷ USD) cho chính quyền các bang nước này trong ba năm tới nhằm hỗ trợ khôi phục các dịch vụ công cộng, giữa bối cảnh nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latinh này đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập niên.
Biện pháp giảm nợ mà Chính phủ Brazil áp dụng dự kiến sẽ phần nào giúp giảm gánh nặng nợ nần của chính quyền các bang - hiện đang gặp khó trong vấn đề chi tiêu công cũng như duy trì các chương trình trợ cấp xã hội.
Trước đó, cuộc khủng hoảng mà các bang tại Brazil phải đối mặt đã là tâm điểm của sự chú ý khi ngày 17/6, Thống đốc bang Rio de Janeiro đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về tài chính, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ từ các quỹ liên bang nhằm hỗ trợ bang này thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cung cấp các dịch vụ công cần thiết trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Hè Rio vào tháng 8/2016.
Theo giới chức bang Rio de Janeiro, các biện pháp khẩn cấp này là cần thiết để tránh “một sự sụp đổ hoàn toàn trong việc cung cấp các dịch vụ như y tế, giao thông vận tải, an ninh công cộng và quản lý môi trường.”
Cuộc khủng hoảng tín dụng nghiêm trọng nhất tại Brazil trong hai thập niên qua đang buộc các doanh nghiệp, nông dân trồng ngũ cốc, mía đường và càphê ở nước này phải hạn chế đầu tư.
Điều này đang khiến một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới này không được hưởng lợi từ sự hồi phục của giá hàng hóa thế giới.
Trước một loạt vụ vỡ nợ và phá sản do tình trạng suy thoát kinh tế nghiêm trọng nhất trong tám thập niên qua, các ngân hàng tại Brazil đã siết chặt nguồn cung tín dụng khiến tín dụng của nước này trong tháng Tư tăng ở mức thấp nhất trong 17 năm qua.
Ngày 15/6, Brazil cũng đã đề xuất sửa đổi Hiến pháp cho phép giới hạn việc tăng chi tiêu công trong 20 năm tới, nhằm củng cố hệ thống tài chính và kiềm chế nợ công của nền kinh tế nước này.
Dự kiến, kế hoạch trên sẽ được khởi động từ năm tới, để giảm thâm hụt ngân sách. Năm 2015, kinh tế Brazil sụt giảm 3,8% trong khi thâm hụt ngân sách tương đương trên 10% GDP./.