Ngày 1/8, Cơ quan công tố Brazil cho biết đã quyết định gia hạn thêm 1 năm hoạt động của đơn vị điều tra vụ bê bối "Lava Jato," nhóm thành lập vào năm 2014 đã phát hiện ra đường dây tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí Petrobras, nhờ đó khám phá ra cả hệ thống tương tự tại nhiều nước Mỹ Latinh và châu Phi.
Bên cạnh đó, Bộ Công cộng Brazil cũng quyết định tăng khoản chi ngân sách dành cho nhóm trên từ 167.500 USD trong năm nay lên gần 513.000 USD trong năm 2018.
Đơn vị được gọi tắt là “Nhóm Lava Jato” này được hưởng quyền hoạt động khá độc lập và có nhiệm vụ ban đầu chỉ là điều tra đường dây rửa tiền qua hệ thống cửa hàng rửa xe ôtô nằm trong các trạm xăng. Từ đây, cảnh sát Brazil đã phát hiện ra một mạng lưới hối lộ tham nhũng của các giám đốc Petrobras, chính trị gia của hàng chục đảng phái và doanh nghiệp ký kết hợp đồng làm ăn với tập đoàn này nhằm nâng giá dự án và sau đó chia nhau khoản tiền chênh lệch. Các điều tra viên sau đó khám phá ra nhiều vụ bê bối tương tự ở doanh nghiệp công, tư và cả các chính đảng lớn của Brazil.
[Petrobras, bê bối tham nhũng lớn nhất lịch sử Brazil]
Theo thống kê, trong hơn 3 năm qua, 157 người nằm trong hệ thống trên đã bị kết án tù với án phạt tổng cộng lên tới 1.563 năm. Ngày 12/7 vừa qua, tòa sơ thẩm Brazil đã tuyên án 9 năm rưỡi tù giam đối với cựu Tổng thống Lula da Silva vì tham gia đường dây tham nhũng của Petrobras. Tuy nhiên, bản án này đối với ông Lula vẫn cần thêm quyết định của phiên tòa phúc thẩm, dự kiến diễn ra vào năm tới.
Ngoài ra, ngày 26/6 vừa qua, Viện Kiểm sát Brazil đã chuyển lên Tòa án Tối cao kết luận điều tra trong đó khẳng định Tổng thống Michel Temer dính líu tới tham nhũng. Dự kiến ngày 2/8, Hạ viện Brazil sẽ họp phiên toàn thể để bỏ phiếu về các cáo buộc chống lại ông Temer. Trong trường hợp 2/3 trong tổng số 513 nghị sỹ thông qua đề nghị của Viện Kiểm sát khởi tố Tổng thống Temer, ông này sẽ bị đình chỉ chức vụ 6 tháng và vụ việc sẽ được chuyển tới Tòa án Tối cao để xét xử người đứng đầu nhà nước. Tổng thống Temer sẽ bị phế truất nếu bị kết tội.
Phát hiện của "Nhóm Lava Jato" không chỉ làm chính trường quốc gia lớn nhất Nam Mỹ này chao đảo, vụ việc còn gây chấn động tại các nước Argentina, Colombia, Cộng hòa Dominica, Ecuador, Guatemala, Mexico, Panama, Peru, Venezuela, Angola và Mozambique vì đường dây tham nhũng liên quan đến Tập đoàn xây dựng Odebrecht, tâm điểm của vụ bê bối Petrobras./.