Brazil đứng đầu các nước bị chặt phá rừng nghiêm trọng nhất thế giới

Brazil đã mất tổng cộng 13.471km2 rừng mưa trong năm 2018, diện tích rộng gần tương đương bang Connecticut của Mỹ.
Nhiều diện tích rừng bị chặt phá tại khu vực Tây Amazon, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo cáo công bố ngày 26/4 của Tổ chức Giám sát rừng toàn cầu (GFW) cho thấy trong năm ngoái, Brazil đứng đầu danh sách các nước có diện tích rừng bị chặt phá nghiêm trọng nhất thế giới mặc dù tốc độ phá rừng tại quốc gia có diện tích lớn nhất Nam Mỹ này đã giảm 70% so với năm 2017.

Theo GFW, Brazil đã mất tổng cộng 13.471 km2 rừng mưa trong năm 2018, diện tích rộng gần tương đương bang Connecticut của Mỹ.

Số liệu của tổ chức trên cho thấy tốc độ biến mất của rừng mưa nhiệt đới - "chìa khóa" để bảo tồn đa dạng sinh học - đã giảm mạnh sau hai năm xảy ra vụ hỏa hoạn lịch sử, song vẫn cao hơn khá nhiều so với các năm đầu thập kỷ trước.

60% rừng Amazon nằm trên lãnh thổ Brazil. Đây là quần thể rừng mưa nhiệt đới rộng nhất thế giới, hấp thụ lượng lớn khí CO2 và được xem là một "tấm khiên" sống bảo vệ Trái Đất trước sự ấm lên toàn cầu.

Cộng hòa dân chủ Congo đứng thứ hai trong danh sách của GFW, mất 4.812km2 rừng mưa trong năm 2018.

[Brazil: Rừng Amazon tại khu Xingu đang bị tàn phá nặng nề]

Các nhà hoạt động và các tổ chức phi chính phủ lo ngại rằng tình trạng phá rừng có thể gia tăng tại Brazil trong thời gian tới.

Tân Tổng thống Jair Bolsonaro có quan điểm rằng Brazil nên chấm dứt chính sách "ngành công nghiệp trừng phạt" những vi phạm đối với môi trường, vốn là một trong các công cụ nhằm bảo vệ môi trường.

Ông cũng kêu gọi xóa bỏ các lĩnh vực trong diện bảo tồn bản địa và một khu bảo tồn lớn trong rừng Amazon để khuyến khích phát triển kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục