Ngày 17/3, cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva đã nhậm chức Bộ trưởng-Chánh văn phòng Nội các của Tổng thống đương nhiệm Dilma Rousseff.
Động thái này diễn ra giữa lúc có tin một thẩm phán liên bang Bzrazil yêu cầu dừng quyết định bổ nhiệm ông này.
Trước đó một ngày, ông Lula đã chấp nhận đề nghị của Tổng thống Rousseff mời ông này tham gia thành phần chính phủ với chức danh Bộ trưởng-Chánh văn phòng Nội các thay cho ông Jaques Wagner, người được chuyển sang làm Bộ trưởng phụ trách nhân sự của Phủ Tổng thống.
Quyết định của ông Lula được đưa ra sau một buổi họp kéo dài 4 giờ tối 15/3 với bà Rousseff, người tiền nhiệm của ông Lula và cũng là người được ông này đỡ đầu.
Đề xuất về việc ông Lula tham gia thành phần nội các được Đảng Lao động (PT) cầm quyền đưa ra tuần trước sau khi mới đây, cảnh sát Brazil đã khám xét nhà riêng, đồng thời cưỡng chế ông này về đồn để thẩm vấn do nghi ngờ liên quan đến vụ tham nhũng tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil Petrobras.
Ông Lula bị tố cáo đã nhận hàng triệu USD tiền hoa hồng từ những hợp đồng giữa các công ty xây dựng với Petrobras.
Tuy nhiên, ông đã bác bỏ các cáo buộc trên, cho rằng vụ cảnh sát cưỡng chế là một "vở kịch của giới truyền thông" nhằm hạ thấp uy tín của ông.
Chủ tịch PT Rui Falcao đã ủng hộ cựu Tổng thống tham gia thành phần Chính phủ hiện nay và cho rằng đây hoàn toàn là quyết định của cá nhân ông Lula.
Nếu tham gia thành phần nội các, trước mắt ông Lula sẽ tránh được lệnh tạm giam của Tòa án Sao Paulo sau những cáo buộc có dính líu tới vụ tham nhũng, bởi chỉ Tòa án tối cao mới có quyền đưa ra quyết định điều tra các bộ trưởng.
Chính phủ Brazil cho rằng trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế trầm trọng hiện nay, việc ông Lula tham gia nội các sẽ giúp bà Rousseff chống đỡ tốt hơn với những âm mưu của phe đối lập nhằm phế truất bà này và tiếp tục thực hiện những chính sách tiến bộ của PT thực hiện suốt gần 14 năm qua kể từ năm 2003 khi ông Lula lên nắm quyền điều hành đất nước, nhờ đó 40 triệu người Brazil đã thoát nghèo./.