Brazil chính thức nộp đơn xin gia nhập tổ chức OECD

Ngày 1/6, Brazil đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), bất chấp cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại nước này.
Brazil chính thức nộp đơn xin gia nhập tổ chức OECD ảnh 1Tượng Chúa trên đỉnh núi Corcovado ở Rio de Janeiro, Brazil. (Nguồn: Bloomberg)

Ngày 1/6, Brazil đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), bất chấp cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại nước này.

Thông cáo của Văn phòng Phủ Tổng thống Brazil cho biết nước này mong muốn trở thành thành viên OECD cùng với 35 quốc gia khác, trong nỗ lực tăng cường hội nhập kinh tế với các nước công nghiệp phát triển. Chính phủ Brazil hy vọng rằng việc gia nhập tổ chức này sẽ cho phép Brazil thu hút đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái trầm trọng hai năm gần đây.

Quyết định về việc chấp thuận một quốc gia thành viên tại OECD có thể mất vài năm và phụ thuộc vào những yêu cầu và đòi hỏi quy định, cần được Quốc hội Brazil thông qua trong trường hợp nước này gia nhập. Một quan chức của Chính phủ Brazil cho biết có thể mất ba năm để nước này được chấp thuận.

Cùng ngày, các chuyên gia nhận định Ngân hàng Trung ương Brazil đang xem xét kế hoạch tiếp tục cắt giảm đáng kể lãi suất ngân hàng, mặc dù cuộc khủng hoảng chính trị đang đe dọa đà hồi phục vô cùng chậm chạp của nền kinh tế số một Mỹ Latinh. Có nhiều khả năng thể chế tài chính này sẽ cắt giảm lãi suất xuống chỉ còn ở mức 8,5% từ nay tới cuối năm so với mức 11,25% hiện nay.

Theo ông Joao Pedro Ribeiro, chuyên gia tư vấn hãng Nomura Securities, trước các cáo buộc tham nhũng chống lại Tổng thống Michel Temer được đưa ra, Brazil dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất xuống chỉ còn dưới 8% trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại khiến chính sách này không thể thực hiện được. Từ cuối năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Brazil đã liên tục cắt giảm lãi suất từ mức 13%, một trong những mức lãi suất cao nhất thế giới.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Brazil Ilan Goldfajn khẳng định khủng hoảng chính trị không ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của nước này. Kinh tế quý 1/2017 của Brazil chỉ tăng 1% so với quý 4/2016 năm trước đó.

Ngân hàng Trung ương Brazil dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2017 sẽ ở mức 0,49%, với mức lạm phát 4,36%. Nếu đạt được mức tăng trưởng dự kiến, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh sẽ thoát khỏi suy thoái sau hai năm liên tiếp tăng trưởng âm, lần lượt là -3,8% và -3,5% trong hai năm 2015 và 2016. Năm 2015, lạm phát tại Brazil vượt 10%, mức cao nhất kể từ năm 2002, và năm ngoái ở mức 6,29%.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế Brazil sẽ chỉ tăng trưởng 0,2% trong năm nay và tăng 1,5% trong năm 2018. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết quốc gia Nam Mỹ này dẫn đầu danh sách về tỷ lệ thất nghiệp cao nhất khu vực trong năm nay và ước tính trong năm tới, con số này ở mức 13,8 triệu người, chiếm 12,8% dân số./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục