Brazil bác bỏ những cáo buộc của EU về kiểm định chất lượng thịt

Chính phủ Brazil đã bác bỏ những cáo buộc của EU về những dấu hiệu bất thường trong hoạt động giám sát và kiểm định của nước này sau vụ bê bối xuất khẩu "thịt bẩn."
Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất thịt gà trong một nhà máy ở Lapa, bang Parana, Brazil. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Brazil đã bác bỏ những cáo buộc của Liên minh châu Âu (EU) về những dấu hiệu bất thường trong hoạt động giám sát và kiểm định của nước này sau vụ bê bối xuất khẩu "thịt bẩn" của nhiều nhà máy đông lạnh ở Brazil bị phanh phui.

Ngày 15/6, quyền Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Eumar Novacki cho biết bức thư của Cao ủy phụ trách chính sách y tế và an toàn thực phẩm của EU Vytenis Andriukaitis với những bình luận về biện pháp kiểm dịch chất lượng thịt xuất khẩu, đã gây bất ngờ cho Chính phủ Brazil và nước này bác bỏ mọi cáo buộc của EU.

Ông Novacki nhấn mạnh Chính phủ Brazil biết rằng có nhiều áp lực cạnh tranh trên thị trường EU không chỉ từ phía các nước trong liên minh này mà còn từ chính các nhà sản xuất và xuất khẩu thịt của quốc gia Nam Mỹ này.

Trước đó, Cao ủy Andriukaitis đã nghi vấn về độ tin cậy của quá trình kiểm dịch của Brazil, quốc gia xuất khẩu thịt hàng đầu thế giới sau khi cùng với một phái đoàn của EU tới nước này để kiểm tra các nhà máy chế biến thịt cách đây ba tháng.

EU là một trong những nhà nhập khẩu thịt bò và thịt gà lớn nhất của Brazi. Tuy nhiên, trong tháng Ba vừa qua, liên minh trên đã tuyên bố tạm thời ngừng nhập khẩu mặt hàng này của Brazil do sự việc nêu trên.

[Xuất khẩu của Brazil có nguy cơ suy giảm khoảng 3,5 tỷ USD]

Vụ bê bối “thịt bẩn” tại Brazil bắt đầu xảy ra từ ngày 17/3 khi cảnh sát nước này thông báo phát hiện một đường dây nhận hối lộ, cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm không đạt chất lượng cũng như cho phép các cơ sở sản xuất sử dụng chất cấm để tạo màu đẹp và mùi thơm cho các sản phẩm được chế biến từ thịt.

Nhà chức trách của Brazil đã mở một cuộc điều tra trên diện rộng nhằm phanh phui các hoạt động phi pháp tại các cơ sở đóng gói mặt hàng này.

Tổng cộng có hơn 20 cơ sở đóng gói thịt, trong đó có các tập đoàn chế biến thực phẩm lớn nhất thế giới là JBS và BRF bị phát hiện có hành vi "lót tay" cho các nhân viên kiểm dịch để họ “làm ngơ” và thay đổi hạn sử dụng của các mặt hàng thực phẩm, các loại thịt bị tiêm nước cũng như những sản phẩm không đảm bảo vệ sinh khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục