Ngày 13/4, trả lời phỏng vấn báo giới, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff tuyên bố sẽ chiến đấu “tới giờ phút cuối cùng chống lại âm mưu đảo chính” đang diễn ra tại Quốc hội nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Tổng thống Rousseff cho rằng chính phủ có đủ mọi điều kiện để giành thắng lợi tại cơ quan lập pháp, khi báo chí đề cập tới việc Ủy ban Đặc biệt tại Hạ viện đã bỏ phiếu hôm 11/4 thông qua việc đưa Tổng thống ra xét xử tại Quốc hội mặc dù không có bất cứ bằng chứng cụ thể nào về việc bà này phạm tội.
Phản ứng về việc một số chính đảng trong liên minh cầm quyền đã quay lưng lại với chính phủ trong thời điểm khó khăn hiện nay, bà Rousseff cho rằng đây là một cuộc chiến tâm lý nhằm tạo ra hiệu ứng đôminô. Bà Rousseff cũng cho biết có nhiều thành viên của các đảng phái từng tham gia liên minh với chính phủ vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ bà.
Trả lời câu hỏi nếu giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện vào ngày 17/4 tới đây, bà Rousseff cam kết sẽ thương lượng với tất cả các lực lượng chính trị. Bà cho rằng sẽ không ai là người thắng, người thua và không thể nuôi sự hận thù, cần tôn trọng những thành quả mà đất nước đã làm nên.
Về khả năng tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sớm nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị, Tổng thống Rousseff cho rằng chưa tới lúc đề cập tới giả thiết này vì sẽ đi ngược lại những gì mà chính phủ đang bảo vệ đó là nền dân chủ, ý nguyện của đông đảo cử tri khi bỏ phiếu bầu tổng thống.
Bà Rousseff chỉ trích nặng nề Phó Tổng thống Michel Temer và Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha, cả hai đều là thủ lĩnh của đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB), chính đảng lớn nhất ở nước Nam Mỹ và đã tham gia liên minh với chính phủ tới cuối tháng 3 vừa qua. Theo bà Rousseff, hai ông này đã chủ mưu tiến hành đảo chính.
Hiến pháp Brazil quy định, trong trường hợp bà Rousseff bị phế truất, ông Temer sẽ trở thành Tổng thống Brazil và ông Cunha sẽ trở thành Phó Tổng thống tạm quyền tới hết nhiệm kỳ vào ngày 31/12/2018.
Tuy nhiên, hiện ông Cunha đang bị điều tra vì tình nghi nhận hàng triệu USD tiền hối lộ trong vụ bê bối tham nhũng khổng lồ ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil Petrobras. Cho tới nay, dư luận Brazil cũng có nhiều ý kiến yêu cầu ông Temer từ chức.
Dự kiến, ngày 15/4, Hạ viện Brazil sẽ bắt đầu họp phiên toàn thể để xem xét việc bỏ phiếu bãi nhiệm bà Rousseff vào ngày 17/4. Nếu Hạ viện thông qua với 2/3 số phiếu trong tổng số 513 ghế ở viện này ủng hộ, vụ việc sẽ được chuyển lên Thượng viện. Trong trường hợp, 41 trên tổng số 81 nghị sỹ tại Thượng viện thông qua, bà Rousseff sẽ phải rời nhiệm sở trong vòng 180 ngày, nhường chỗ cho ông Temer./.