Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới

Brand Finance: Việt Nam là điểm sáng về thương hiệu quốc gia toàn cầu

Trong Bảng đánh giá Top 100 Thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới của Brand Finand, Thương hiệu quốc gia Việt Nam luôn được xếp ở nửa trên của bảng xếp hạng và có mức tăng hạng đều qua các năm.
Brand Finance: Việt Nam là điểm sáng về thương hiệu quốc gia toàn cầu ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022. (Ảnh: TTXVN)

Trong nhiều năm qua, cộng đồng doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia đã đóng góp không nhỏ cho sức phát triển kinh tế và ổn định xã hội của đất nước.

Theo tổ chức Brand Finance, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (tăng 74% giai đoạn 2019-2022).

Bên cạnh sự phát triển của Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ. Tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu cả nước có mức tăng trưởng 36%. Đây là sự nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cùng với kết quả của Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi của Đảng, Nhà nước.

[Thương hiệu Quốc gia: Vinh danh 5 nhóm sản phẩm của Tập đoàn TH]

Nhân kỷ niệm ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4), ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã có một số trao đổi với phóng viên về công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu.

- Thưa ông, qua gần 20 năm triển khai Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và 8 lần bình chọn Thương hiệu quốc gia, xin ông cho biết đã có bao nhiêu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia cũng như những đóng góp của các doanh nghiệp trong việc xây dựng Thương hiệu quốc gia, đưa Thương hiệu quốc gia Việt Nam ra thế giới?

Ông Hoàng Minh Chiến: Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, của các hiệp hội, ngành hàng, của cộng đồng doanh nghiệp, của các cơ quan truyền thông, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam qua 20 năm phát triển đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Rõ rệt nhất chính là nhận thức về vai trò của xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu của các cấp, các ngành, các địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp, xã hội đã được nâng cao rõ rệt.

Điều này thể hiện qua số lượng doanh nghiệp, người dân quan tâm đến Chương trình Thương hiệu quốc gia, thông qua việc tham gia, tương tác với các hoạt động cụ thể của Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam tăng đều qua các năm.

Đơn cử, năm 2008 là năm đầu tiên Chương trình tổ chức việc xét chọn doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia với số lượng được xét chọn mới chỉ là 30 doanh nghiệp, đến năm 2022, kỳ xét chọn lần thứ 8, đã có 172 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, tăng gần 6 lần so với năm 2008.

Brand Finance: Việt Nam là điểm sáng về thương hiệu quốc gia toàn cầu ảnh 2Tập đoàn TH được vinh danh tại lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu nên đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp.

Kết quả là, trong Top 50 Thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam năm 2022, có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Cụ thể, năm 2018 mới có 14 doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam nằm trong Top 50, chiếm tỷ trọng 28% thì sau 5 năm con số này đã tăng lên 21 doanh nghiệp chiếm tỷ trọng 42%. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng mạnh từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2022.

- Vậy, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn những đóng góp của doanh nghiệp trong việc nâng tầm vị thế, giá trị sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia?

Ông Hoàng Minh Chiến: Có thể thấy, giá trị, vị thế của Thương hiệu quốc gia và các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng đều qua các năm. Các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu với nòng cốt là Chương trình Thương hiệu quốc gia đã đóng góp tích cực trong tăng trưởng giá trị thương hiệu Việt Nam trong những năm qua.

Không phải ngẫu nhiên, Brand Finance - Tổ chức định giá thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Anh lại đánh giá Việt Nam rất tích cực trong xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu.

Theo đánh giá của tổ chức này, bất chấp những ảnh hương tiêu cực từ đại dịch COVID-19 và xung đột chính trị trên thế giới, Thương hiệu quốc gia Việt Nam là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới, với mức tăng 74% trong giai đoạn 2019-2022.

Cụ thể, theo báo cáo từ Brand Finance, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 tăng 29,1% so với năm 2019, đạt mức 319 tỷ USD; năm 2021 tăng 21,6% so với năm 2020 (388 tỷ USD); năm 2022 tăng 11,1% so với năm 2021 (431 tỷ USD).

Trong Bảng đánh giá Top 100 Thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới của Brand Finand, Thương hiệu quốc gia Việt Nam luôn được xếp ở nửa trên của bảng xếp hạng và có mức tăng hạng đều qua các năm. Năm 2022, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 32/100.

- Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng đều qua các năm:

Brand Finance: Việt Nam là điểm sáng về thương hiệu quốc gia toàn cầu ảnh 3

Nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang và khẳng định được vị thế trên thị trường khu vực và thế giới.

Nếu như đầu những năm 2000, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được xuất hiện trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế thì đến năm 2022, theo bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu đạt trên đạt 36,6 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2021. Trong đó, doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam chiếm trên 60% số lượng doanh nghiệp lọt vào top 10.

- Với chủ đề “Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh” được đánh giá là sự kiện nổi bật trong khuôn khổ Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2023 chào mừng Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4. Xin ông chia sẻ lý do Bộ Công Thương lựa chọn chủ đề này và những nhiệm vụ đặt ra đối với yêu cầu này?

Ông Hoàng Minh Chiến: Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam là sự kiện thường niên trong khuôn khổ Tuần lễ Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam với mục tiêu là tạo ra đối thoại chuyên sâu, đa góc nhìn thu hút được sự tham gia đông đảo của các đại biểu từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các tổ chức trong và ngoài nước cũng như doanh nghiệp liên quan tới xây dựng, phát triển thương hiệu.

Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam qua các kỳ đều đưa ra một chủ đề riêng để khai thác và phân tích chuyên sâu, gắn với tình hình kinh tế và những biến động của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Trong thời gian gần đây, xanh hóa hướng tới tăng trưởng bền vững hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Xu hướng tiêu dùng hiện nay đã dần chuyển dịch sang những sản phẩm thân thiện với môi trường nên sản xuất xanh là một trong những yếu tố lợi thế giúp doanh nghiệp nâng cao thương hiệu, thu hút người tiêu dùng.

Đồng thời, sản xuất xanh chính là yêu cầu tiên quyết khi thâm nhập thị trường các nước trên thế giới, đặc biệt là với cac nước Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do thê hệ mới như CPTPP, EVFTA… bởi những hiệp định thương mại tự do này đều có những quy định khắt khe về tiêu chí môi trường.

Brand Finance: Việt Nam là điểm sáng về thương hiệu quốc gia toàn cầu ảnh 4Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam là dịp ghi nhận và vinh danh các sản phẩm có chất lượng hàng đầu, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, có uy tín trên thị trường. (Ảnh: Vietnam+)

Nếu chúng ta thực hiện tốt sản xuất xanh thì cũng là một cơ hội tốt để chúng ta tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…

Tuy nhiên, xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh cũng đặt ra bài toán mới cho các doanh nghiệp Việt để phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Cụ thể, các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, sắp xếp lại cơ cấu, tiến tới ngừng phát triển những sản phẩm, dịch vụ phát thải lớn, gây ô nhiễm, ảnh hương tới môi trường; thay vào đó cần phát triển các sản phẩm, dịch vụ sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, để góp phần hình thành đội ngũ doanh nhân “xanh” của đất nước…

Quan trọng hơn cả là cần sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, sự phối hợp của các bộ, ngành trong việc phổ biến các chính sách, chương trình và tạo ra các kênh pháp lý để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu doanh nghiệp xanh và thương hiệu quốc gia xanh. 

Đó chính là lý do Bộ Công Thương đã chọn chủ đề “Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh” cho Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2023./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục