Sau khi thực thi lệnh hạn chế đi lại trên toàn quốc và đóng cửa biên giới, gần như mọi hoạt động kinh tế của Pháp đã đóng băng.
Không khí tấp nập, hối hả của một cường quốc kinh tế phát triển, một kinh đô ánh sáng hoa lệ nay im ắng đến lạ thường
Nỗi lo sợ về một cuộc suy thoái kéo dài đang gia tăng không chỉ trong các nhà kinh tế Pháp mà còn là cơn ác mộng đối với Chính phủ nước này bởi hậu quả kinh tế của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể còn tồi tệ hơn dự kiến.
Trong một cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire không giấu mối lo ngại về tình trạng hiện tại cũng như trong những tháng tới của nền kinh tế Pháp khi tuyên bố rằng dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm 2020 sẽ thấp hơn nhiều so với mức -1% được nêu trong Dự luật tài chính sửa đổi trước đó.
"Chúng ta đang phải đối mặt với một cú sốc dữ dội, toàn cầu và kéo dài. Nền kinh tế thực sự bị ảnh hưởng ở Pháp. Tất cả các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng, đặc biệt một số lĩnh vực như phục vụ, du lịch có sự sụt giảm doanh thu từ 90-100%, sản xuất công nghiệp giảm 25%.
Dự luật tài chính sửa đổi ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp ở mức -1% cho năm 2020.
Mỗi tuần dịch bệnh và hạn chế đi lại làm cho dự báo trở nên nghiêm trọng hơn. Con số tăng trưởng sẽ thấp hơn so với con số được trình bày trong Dự luật tài chính sửa đổi. Đây là một cú sốc tương đương với cuộc suy thoái lớn năm 1929," ông Le Maire nói.
Về mặt kỹ thuật, suy thoái tương ứng với hai quý giảm liên tiếp tổng sản phẩm quốc nội. Sở dĩ hầu hết các nhà kinh tế hiện đang bối rối khi đưa ra các dự báo kinh tế vĩ mô, vì các Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng Ba đều cho thấy hoạt động suy yếu trong các ngành dịch vụ và công nghiệp.
[Căng thẳng cải cách lương hưu Pháp: Liệu có hay không sự thỏa hiệp?]
Sự lây lan của đại dịch COVID-19 trên khắp đất nước đã buộc Chính phủ Pháp phải đưa ra quyết định ngăn chặn quyết liệt, đặc biệt là lệnh hạn chế đi lại của người dân.
Việc đóng cửa các cơ sở ăn uống, cửa hàng phi thực phẩm, địa điểm văn hóa và giải trí, cũng như việc hủy bỏ các sự kiện đã khiến hàng loạt các lĩnh vực bị đình trệ.
Chẳng hạn như trong ngành công nghiệp, một số tập đoàn lớn như Michelin, Renault và PSA (tập đoàn xe hơi Pháp) đã tuyên bố ngừng sản xuất tạm thời.
Còn trong lĩnh vực hàng không, nhiều tuyến bay đã tạm thời phải dừng hoạt động. Hậu quả là số lượng công nhân thất nghiệp tạm thời (thất nghiệp được hưởng lương) bùng nổ.
Theo số liệu của Bộ Kinh tế Pháp, số thất nghiệp tạm thời rơi vào khoảng 700.000 nhân viên, với chi phí thiệt hại ước tính khoảng 2,2 tỷ euro.
Trước nguy cơ này, Chính phủ Pháp đã và đang đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ kinh tế và xã hội để đối phó với nguy cơ sụp đổ trong các hoạt động kinh tế.
Tuần trước, Bộ kinh tế Pháp đã công bố kế hoạch khẩn cấp trị giá 45 tỷ euro để hỗ trợ cho doanh nghiệp nước này.
Trong khi tất cả các biện pháp nói chung được đón nhận, quan ngại về khả năng lệnh hạn chế đi lại của người dân tiếp tục bị kéo dài tăng lên.
Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Edouard Philippe tuyên bố sẽ gia hạn và tăng cường các biện pháp hạn chế đi lại trên toàn quốc trong khi số người bị nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng lên từng ngày.
Đối với nhiều lĩnh vực, những khó khăn về dòng tiền có thể trở nên tồi tệ hơn nếu tình trạng tê liệt tiếp diễn trong vài tuần tới.
Thậm chí, ngay cả khi Chính phủ Pháp đã dự tính một cơ chế bảo lãnh nhà nước trị giá khoảng 300 tỷ euro cho các khoản vay ngân hàng mới, thì nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nước này có thể cũng vẫn phải đóng cửa.
Thực tế cho thấy một số doanh nghiệp được hưởng rất ít ưu đãi này hoặc từng phải chịu áp lực trước đại dịch xảy ra. Tình trạng kéo dài thời gian và chậm trễ trong thanh toán có thể góp phần làm tăng thất bại kinh doanh trong bối cảnh rất xấu hiện nay.
Nếu so sánh cuộc khủng hoảng hiện nay với cuộc Đại suy thoái năm 1929 ở thời điểm này thì có thể còn hơi sớm.
Cuộc đại khủng hoảng năm 1929 đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế thế giới bởi mức độ ảnh hưởng và thời gian kéo dài khủng hoảng.
Nhà kinh tế Mỹ Joseph Stiglitz cho rằng phải đến trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, thu nhập của người Mỹ mới vượt qua mức trước đó và tình trạng thất nghiệp trở lại mức bình thường. Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp thời điểm đó vượt quá 25%.
Nếu đại dịch hiện nay tấn công một số lượng lớn các quốc gia trên thế giới, thì có thể nói một cuộc khủng hoảng y tế đã biến thành một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Đại dịch này bắt nguồn từ châu Á, cụ thể hơn là ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, trước khi lan đến châu Âu và tất cả các châu lục. Sự phụ thuộc của nền kinh tế châu Âu vào Trung Quốc đã tạo điều kiện cho khả năng lan tỏa ảnh hưởng.
Việc di dời một số lượng lớn các chuỗi sản xuất và chuyển giao nhiều công nghệ, sự gia tăng các hoạt động trao đổi thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc đã làm suy yếu các lĩnh vực chủ đạo của châu Âu, thường phụ thuộc vào nguồn cung đầu vào của Trung Quốc trong sản xuất hàng hóa./.