Bóng ma những năm 1990 đang rình rập khu vực Balkan

Từ 1-21/11, tại căn cứ không quân Wright-Patterson gần Dayton, Ohio của Mỹ, các cuộc đàm phán diễn ra căng thẳng nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh ở Bosnia-Herzegovina vốn đã tàn phá 3 nước thuộc Tư cũ.
Bóng ma những năm 1990 đang rình rập khu vực Balkan ảnh 1(Nguồn: newsline.news)

Nhận định về tình hình khu vực Balkan hiện nay, báo Le Monde mới đây có bài viết “Tại Balkan, bóng ma của những năm 1990 đang rình rập với sự tiếp sức của Serbia và Nga,” cho rằng 26 năm sau Hiệp định Dayton kết thúc chiến tranh Bosnia, có rất nhiều nhân tố tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ trật tự do phương Tây sắp đặt trên những tàn dư của Nam Tư cũ.

Theo bài viết, từ ngày 1-21/11, tại căn cứ không quân Wright-Patterson gần Dayton, bang Ohio của Mỹ, các cuộc đàm phán đã diễn ra căng thẳng nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh ở Bosnia-Herzegovina vốn đã tàn phá ba nước thuộc Cộng hòa Nam Tư cũ.

Nhân vật chính lúc bấy giờ là các Tổng thống Serbia Slobodan Milošević, Tổng thống Croatia Franjo Tudjman và Tổng thống Bosnia Alija Izetbegović, cũng như nhà đàm phán người Mỹ Richard Holbrooke. Dù được chính thức ký kết tại Paris ngày 14/12/1995, thỏa thuận hòa bình làm nên lịch sử này vẫn được biết dưới tên gọi là Hiệp định Dayton.

Sau ba tuần đàm phán khó khăn với những nhân vật mang đầu óc hiếu chiến, Hiệp định Dayton đã kết thúc ba năm chiến tranh giữa các sắc tộc ở Bosnia, cuộc chiến tranh cuối cùng của thế kỷ trên lục địa châu Âu. Hòa ước này được xem là một trong những ngọn cờ đầu của ngoại giao đa phương mà phương Tây dựng lên trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.

Đây cũng được xem là biểu tượng cho bí quyết và sức mạnh của Mỹ, với đại diện là Richard Holbrooke, nhân vật dẫn đầu cuộc đàm phán có nhiệm vụ phải báo cáo tình hình vào mỗi buổi tối cho một "nhóm liên lạc" gồm các nhà ngoại giao Pháp, Anh, Đức và Nga.

Tuy nhiên, dù đã có thể kết thúc chiến tranh, thỏa thuận này không thể xây dựng được hòa bình theo kỳ vọng. Sau 26 năm, "Dayton" đã già nua rất nhiều. Xung đột không chỉ có nguy cơ bùng phát trở lại mà Nga, với sự góp sức từ xa của Trung Quốc và từ một số thế lực chuyên quyền, đang tìm cách phá hỏng trật tự Balkan mà các cường quốc phương Tây đã thiết lập trên đống đổ nát của Nam Tư cũ.

[Tây Balkan và giấc mơ gia nhập Liên minh châu Âu]

Ở Bosnia-Herzegovina, Serbia, Kosovo và Montenegro, chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy mạnh mẽ. Hiện giờ là thế kỷ XXI, song bóng ma của những năm 1990 vẫn rình rập ngay bên cạnh một Liên minh châu Âu (EU) đang quay cuồng với hàng loạt mâu thuẫn nội tại.

Tại khu vực Balkan, chắc chắn cơn sốt bùng phát mạnh nhất ở Bosnia, mà “kẻ gây rối” chính là Tổng thống Bosnia-Herzegovina Milorad Dodik, một nhân vật lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc. Từng được coi là một người ôn hòa, Milorad Dodik đã nhanh chóng tham gia nhóm chuyên quyền coi mục tiêu ly khai như một “phần thưởng.”

Dodik đã tỏ thái độ rất tức giận trước quyết định của Đại diện cấp cao về Bosnia-Herzegovina, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi dân sự của Hiệp định Dayton, hồi tháng Bảy vừa qua về việc trừng phạt hình sự những hành vi phủ nhận tội ác diệt chủng ở Srebrenica và tôn vinh các tội phạm chiến tranh.

Milorad Dodik không còn muốn duy trì nỗ lực chung xây dựng hai thực thể mà Hiệp định Dayton thiết lập để cho phép người Serbia, người Croatia và người Bosnia cùng tồn tại trong hòa bình ở Liên bang Bosnia-Herzegovina và Cộng hòa Serbia (Srpska) thuộc Bosnia và Liên bang Bosnia-Croatia.

Trong nhiều tháng qua, Dodik đã nhiều lần đe dọa xóa sổ các lực lượng vũ trang chung để xây dựng một lực lượng riêng, nhấn mạnh sẽ thực hiện mục tiêu này vào cuối tháng 11 này và cũng sẽ rút Serbia khỏi hệ thống tư pháp và thuế Bosnia.

Theo ngôn ngữ thông thường thì đây chính là hành động được gọi là ly khai. Ngoài ra, nước Cộng hòa Serbia nhỏ bé này đã thành lập cơ quan dược phẩm cho riêng mình.

Đại diện cấp cao về Bosnia-Herzegovina mới Christian Schmidt, người Đức, cho rằng tình thế rất đáng báo động. Theo ông, việc Serbia thành lập lực lượng riêng là một "lằn ranh đỏ." Thái độ của Dodik chính là "một mối đe dọa hiện hữu" đối với Hiệp định Dayton. Lời cảnh báo này được Christian Schmidt nêu rõ trong báo cáo ngày 3/11 mà ông đã không thể tự mình đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do vấp phải sự cản trở của Nga, một thành viên thường trực.

Bóng ma những năm 1990 đang rình rập khu vực Balkan ảnh 2Thủ tướng Hungary Viktor Orban. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh này, có thể dễ dàng nhận ra các đường đứt gãy địa chính trị mới đang xuất hiện tại một khu vực Balkan đầy khó khăn. Vấn đề càng trở nên rõ ràng hơn sau cuộc gặp thân tình của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người ủng hộ chủ nghĩa phi tự do, ngày 6/11 vừa qua với Dodik.

Mỹ đánh giá tình hình hiện nay đủ lo ngại để điều chuyển nhà ngoại giao Gabriel Escobar phụ trách Tây Balkan đến Sarajevo. Ngày 8/11 vừa qua, nhà ngoại giao kỳ cựu này tuyên bố đã làm cho Dodik “hồi tỉnh” và “sẽ không xảy ra chiến tranh” một lần nữa ở khu vực.

Chính quyền Biden cũng bổ nhiệm Christopher Hill, một tên tuổi lớn trong ngành ngoại giao Mỹ làm Đại sứ tại Belgrade. Christopher Hill từng là cấp phó của Holbrooke tại Dayton và sau đó là đặc phái viên tại Kosovo vào cuối những năm 1990.

Tại sao Washington đột ngột quan tâm đến vùng Balkan? Câu trả lời là bởi châu Âu, vốn có ảnh hưởng chính trị tỷ lệ nghịch với số tiền bỏ ra trợ giúp các nước Balkan, đang tỏ ra bất lực trước những căng thẳng dân tộc chủ nghĩa trong khu vực.

Lịch sử cho thấy những nguy cơ trệch hướng có thể gây ra nhiều hậu quả tai hại vượt ra ngoài khu vực. Và hơn nữa, khả năng gia nhập EU của 6 quốc gia Serbia, Kosovo, Montenegro, Bắc Macedonia, Bosnia, Albania ngày càng mờ nhạt, Nga và Trung Quốc dường như càng tìm cớ lấp đầy khoảng trống.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã “thêm dầu vào lửa” những mâu thuẫn dân tộc bằng nhiều lời lẽ kích động các cộng đồng thiểu số Serbia tại các nước láng giềng, trong đó Kosovo là mục tiêu đầu tiên. Bộ trưởng Nội vụ Serbia Aleksandar Vulin và cả Nhà thờ Chính thống Serbia cũng có những phát ngôn gây chia rẽ.

Tại Montenegro, một đảng thân Nga và bài Serbia đang làm tê liệt chính phủ, trong khi các quan chức dân cử trẻ tuổi tuyệt vọng tìm cách loại bỏ "những con virus của những năm 1990" khỏi đất nước. Ở Bắc Macedonia, việc Thủ tướng Zoran Zaev ủng hộ châu Âu từ chức đã làm dấy lên những bất ổn tiềm tàng. Như nhận định của một học giả ở Tirana, “cuối cùng, góc yên tĩnh nhất khu vực lại là Albania,” điều đó thật trớ trêu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục