Gần 1 triệu ca nhiễm mới chỉ sau 4 ngày, trong khi số ca nhiễm theo ngày hơn hai tuần qua liên tiếp lập kỷ lục, "cơn sóng thần" COVID-19 đã quay trở lại Ấn Độ, mang sức hủy diệt lớn hơn, đe dọa tàn phá nghiêm trọng hệ thống y tế mong manh và cả nền kinh tế đã kiệt quệ.
Có thể nói Ấn Độ đang chao đảo bên bờ vực một cuộc khủng hoảng tiếp theo.
Với hơn 273.800 ca nhiễm mới và thêm 1.600 ca tử vong được ghi nhận ngày 19/4, Ấn Độ có thể vẫn cách đỉnh dịch còn xa, nhưng con số này thực sự đã "làm lu mờ" thời điểm dịch từng được xem là tồi tệ nhất ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới năm ngoái, khi mỗi ngày có gần 100.000 ca mắc.
Quốc gia Nam Á phải "thức tỉnh" trước một thực tế nghiệt ngã: cơ sở hạ tầng y tế đang bị dịch bệnh áp đảo hoàn toàn.
[Ấn Độ phong tỏa thủ đô trong 6 ngày nhằm kiểm soát dịch]
Các bệnh viện trên khắp Ấn Độ vốn đã thiếu nhân lực và bị quá tải, nay lại phải vật lộn với số ca mắc COVID-19 tăng đột biến và cả những ca nhiễm ở những người đã tiêm đủ liều vaccine.
Những thông tin về việc các bệnh viện bất lực từ chối bệnh nhân COVID-19 nguy kịch vì thiếu oxy, giường hồi sức cấp cứu (ICU) và các loại thuốc như Remdesivir và Tocilizumab, xuất hiện nhiều hơn trên khắp cả nước.
Ngày càng nhiều chính quyền bang gấp rút áp đặt các lệnh hạn chế để giải tỏa sức ép cho cơ sở hạ tầng y tế đang quá tải.
Đến nay, hơn một nửa dân số 1,4 tỷ người của Ấn Độ đã bị hạn chế đi lại, sau khi 15 bang và vùng lãnh thổ liên bang áp đặt các lệnh hạn chế bằng hình thức giới nghiêm, phong tỏa một phần hoặc toàn phần cùng những biện pháp khác.
Với các mô hình dịch tễ học dự báo tình hình dịch bệnh không thuyên giảm trong tương lai gần, làn sóng lây nhiễm thứ hai đang đe dọa cơ sở hạ tầng y tế của những đầu tàu kinh tế của Ấn Độ như Maharashtra, Delhi và Gujarat, đồng thời cũng phả “hơi nóng” vào các bang như Punjab, Tây Bengal, Chattisgarh, Karnataka và Rajasthan.
Tỷ lệ xét nghiệm dương tính trên khắp Ấn Độ đang tăng nhanh, trong đó riêng thủ đô New Delhi ngày 18/4 ở mức 30%, khiến số lượng bệnh nhân nguy kịch cũng tăng mạnh, vượt quá khả năng đáp ứng của mọi nguồn lực y tế quốc gia.
Các bệnh nhân COVID-19 phải xếp hàng để chờ được điều trị. Nhiều người thậm chí đã tử vong bên ngoài các bệnh viện do tình trạng thiếu oxy, máy thở hay giường ICU, gây ra những cảnh tượng hoang mang, hỗn loạn mà có lẽ chẳng ai ngờ tới khi đất nước này hồi tháng 2 từng vui mừng với số ca nhiễm theo ngày giảm xuống dưới ngưỡng 9.000 ca.
Giám đốc Viện Khoa học y tế toàn Ấn (AIIMS), Tiến sỹ Randeep Guleria, thành viên Ủy ban chuyên trách phòng chống COVID-19 quốc gia khẳng định: "Hệ thống y tế của Ấn Độ đang phải căng mình trước sức ép khổng lồ. Chúng ta phải tiếp tục bổ sung giường bệnh và các nguồn lực để ứng phó với số ca bệnh ngày càng tăng, đồng thời cũng phải hành động khẩn cấp để giảm số ca nhiễm.”
Về nguyên nhân gây ra làn sóng COVID-19 gần đây, Tiến sỹ Guleria lý giải, vào khoảng tháng 1 và tháng 2, khi chương trình tiêm chủng vaccine được triển khai và số ca dương tính giảm mạnh, người dân đã ngừng tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, song tại thời điểm đó, virus đột biến và lây lan mạnh hơn.
Ông Guleria cũng đề cập đến các cuộc míttinh vận động tranh cử và những hoạt động tôn giáo mà đáng lẽ phải bị hạn chế. Ông nêu rõ: “Đây là thời điểm rất nhiều hoạt động tôn giáo và các cuộc bầu cử địa phương diễn ra ở Ấn Độ. Chúng ta có thể tổ chức các hoạt động này một cách hạn chế để sao cho tình cảm tôn giáo không bị tổn thương trong khi vẫn có thể đảm bảo các quy định về phòng chống dịch.”
Hãng Fitch Solutions mới đây đánh giá bất chấp một số cải cách, hệ thống y tế của Ấn Độ không đủ khả năng ứng phó với đợt gia tăng chưa từng có các ca nhiễm COVID-19 như hiện nay.
Hãng này nhấn mạnh khi Ấn Độ tiếp tục thiếu kinh phí y tế và cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, dịch bệnh ở nước này có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không được ngăn chặn phù hợp.
Với chỉ 5 giường bệnh/10.000 dân và 8,6 bác sỹ/10.000 dân (đứng thứ 155/167 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng trong Báo cáo phát triển con người năm 2020 của Liên hợp quốc), ngành y tế vốn kém hiệu quả của Ấn Độ chưa sẵn sàng cho một cuộc khủng hoảng như vậy.
Không chỉ thiếu hụt trang thiết bị y tế, ngày càng nhiều bang của Ấn Độ than phiền về tình trạng thiếu vaccine phòng COVID-19, một phần do thiếu nguyên liệu từ thị trường quốc tế vốn đang chuyển hướng các nguồn lực để phục vụ nhu cầu trong nước.
Sự thiếu hụt vaccine cộng với tâm lý ngại tiêm trước thông tin về các trường hợp đông máu hiếm gặp ở những người được tiêm, càng gây khó cho Ấn Độ khi nước này tìm cách đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngành y tế đang trên bờ vực sụp đổ.
Những khó khăn trên không chỉ ảnh hưởng đến cuộc chiến chống COVID-19 bên trong Ấn Độ mà còn làm trì hoãn nhiều tháng các chiến dịch tiêm chủng vaccine ở hơn 60 quốc gia, chủ yếu là các nước đang phát triển, bởi Ấn Độ là nhà cung cấp chính cho chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới.
Cho đến thời điểm này của tháng 4, theo số liệu của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, New Delhi mới chỉ xuất khẩu được khoảng 1,2 triệu liều vaccine, so với 64 triệu liều được xuất khẩu từ cuối tháng 1 đến tháng 3.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định nhu cầu của nước này sẽ quyết định số lượng vaccine xuất khẩu.
Tình trạng dịch bệnh gia tăng trở lại còn đặt ra thách thức với cả nền kinh tế vẫn lao đao sau suy thoái.
Làn sóng dịch thứ hai đã tấn công Ấn Độ vào một thời điểm không thể tồi tệ hơn, làm gián đoạn kế hoạch tuyển dụng của các công ty, gia tăng tính không chắc chắn trong kinh doanh và làm tê liệt các hoạt động.
Hai cuộc khảo sát gần đây do Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI - ngân hàng trung ương) thực hiện cho thấy tình hình kinh tế nước này có thể xấu đi khi nhà chức trách tái áp đặt các biện pháp hạn chế.
Kết quả cuộc khảo sát được công bố ngày 7/4 chỉ ra rằng niềm tin tiêu dùng đã giảm mạnh, từ mức 55,5 của tháng 1/2021 xuống 53,1 vào tháng 3/2021, do người dân bi quan về triển vọng kinh tế, thu nhập và giá cả.
Theo cuộc khảo sát thứ hai, người tiêu dùng cũng lo lắng về lạm phát, vốn đã tăng mạnh lên 5,03% vào tháng Hai và dự kiến sẽ đạt mức cao nhất trong 4 tháng vào tháng Ba vừa qua.
Hai cuộc khảo sát đã làm nổi bật một xu hướng đáng lo ngại. Nếu người tiêu dùng lo lắng về các ca nhiễm gia tăng, chi tiêu nhiều khả năng sẽ giảm mạnh và các doanh nghiệp đang trên đà chớm phục hồi sau một năm bết bát sẽ lại điêu đứng vì dịch bệnh.
Nếu kéo dài, các lệnh phong tỏa cục bộ và những hạn chế sẽ còn làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động sản xuất - vốn là chìa khóa của tăng trưởng kinh tế.
Bà Pollyanna De Lima, phụ trách bộ phận kinh tế của IHS Markit, cho rằng khi các lệnh hạn chế chống COVID-19 được mở rộng và các biện pháp phong tỏa được tái áp dụng ở nhiều bang, các nhà sản xuất của Ấn Độ có lẽ sẽ trải qua một tháng 4 đầy thách thức.
Trong khi du lịch, lữ hành và khách sạn sẽ là những ngành đầu tiên cảm nhận được “sức nóng” của các lệnh hạn chế kéo dài, các lĩnh vực quan trọng khác như thương mại, xây dựng, bất động sản và bán lẻ sẽ bắt đầu đối mặt với thua lỗ nếu tình hình không được cải thiện trong quý đầu tiên của tài khóa (từ tháng 4-6/2021).
Kết quả là, thiệt hại đối với nền kinh tế có thể sẽ hết sức thê thảm, do hệ thống tài chính không còn đủ khả năng đưa ra các biện pháp cứu trợ như từng được công bố năm ngoái.
Nguồn thu của chính phủ đang gặp nhiều khó khăn sau những nỗ lực của năm ngoái, trong khi các ngân hàng ở vị thế yếu hơn nhiều trong việc cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ tài chính nào cho người đi vay. Do đó, các biện pháp cứu trợ năm nay có thể sẽ không đủ mạnh để “gồng gánh” nền kinh tế đang có nguy cơ suy sụp.
Vết thương cũ do COVID-19 gây ra còn chưa lành, nay Ấn Độ lại phải đối mặt với bóng ma khủng hoảng do làn sóng lây nhiễm mới gây ra.
Với hàng loạt biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được các chính quyền bang áp đặt thời gian qua, đặc biệt tại các trung tâm kinh tế của cả nước, các doanh nghiệp có thể sẽ không thể sống sót với cú sốc thứ hai trong chưa đầy hai năm.
Nguy cơ lần này với Ấn Độ lớn hơn nhiều khi nền kinh tế đã mất đi phần lớn khả năng chống chọi với dịch bệnh trong làn sóng đầu tiên. Sẽ thật khó để Ấn Độ vượt qua cơn sóng dữ lần này nếu tình hình không sớm được kiểm soát./.