Theo trang mạng project-syndicate.org, nền kinh tế Mỹ đang phục hồi theo hình chữ K. Cụ thể là những người có công việc toàn thời gian ổn định, có phúc lợi xã hội và có dự phòng tài chính sẽ là những người có triển vọng được lợi nhất khi thị trường cổ phiếu chạm đỉnh mới.
Ngược lại, những người đang thất nghiệp hoặc làm những công việc tay chân bán thời gian với giá trị gia tăng thấp sẽ là những người chìm trong nợ nần, không có tích lũy và đối diện với một triển vọng kinh tế ảm đạm.
Xu thế này chính là biểu hiện của khoảng cách ngày càng giãn rộng giữa các doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô nhỏ. Việc thị trường cổ phiếu lập đỉnh mới vốn không có nhiều ý nghĩa đối với hầu hết mọi người.
Khoảng 50% số người thu nhập nằm ở phần dưới thang thu nhập chỉ nắm giữ 0,7% tổng tài sản của thị trường chứng khoán, trong khi đó 10% số người ở phần trên lại nắm giữ tới 87,2%, và 1% số người thuộc top đầu sở hữu 51,8%. Nói cách khác, 50 người giàu nhất thị trường có tài sản tương đương tổng tài sản của 165 triệu người thuộc phân khúc dưới của thang thu nhập.
Cùng với bất bình đẳng thu nhập là sự trỗi dậy của các “Big Tech” (5 công ty công nghệ lớn gồm Google, Apple, Microsoft, Amazon và Facebook). Cứ 1 việc làm mà Amazon tạo ra, ngành bán lẻ sẽ mất đi 3 việc làm. Cơ chế tương tự cũng xảy ra trong các lĩnh vực khác, những lĩnh vực chịu sự chi phối của các gã khổng lồ này.
Tuy nhiên, căng thẳng kinh tế và xã hội hiện nay không còn là điều mới mẻ. Trong suốt nhiều thập kỷ, công nhân nghèo luôn không thể theo kịp mức sống của xã hội do thu nhập thực giậm chân tại chỗ, trong khi chi phí sinh hoạt và những khoản chi tiêu kỳ vọng lại ngày càng tăng.
Trong nhiều thập kỷ, “giải pháp” cho vấn đề này là “dân chủ hóa” tài chính để giúp các hộ gia đình nghèo và khó khăn có thể vay thêm tiền để mua nhà - thứ tài sản họ vốn không thể chi trả. Sau đó, các tổ chức tài chính sẽ dùng chính những căn nhà này thành khoản thế chấp để tạo ra dòng tiền.
[Gói kích thích 1.900 tỷ USD mở ra tương lai tương sáng cho kinh tế Mỹ]
Tuy nhiên, chính cơ chế tín dụng tiêu dùng này đã tạo ra bong bóng tài chính, với kết quả là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi hàng triệu người mất việc làm, nhà ở và tiền tiết kiệm.
Điều tương tự đang lặp lại. Những công nhân làm việc tự do, tạm thời hoặc bán thời gian đang được chào mời tới “sợi dây thừng” mà sau này sẽ được sử dụng để treo cổ chính họ nhân danh “dân chủ hóa tài chính." Hàng triệu người đã mở tài khoản tại Robinhood và các ứng dụng tài chính khác, nơi họ có thể dùng số tiền tiết kiệm và thu nhập ít ỏi để đầu cơ vào những cổ phiếu vô giá trị.
Tình hình càng nghiêm trọng khi thị trường bắt đầu lo lắng về chương trình “tiền tệ hóa thâm hụt ngân sách” mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Bộ Tài chính thực hiện thông qua thử nghiệm chính sách nới lỏng định lượng.
Nhiều ý kiến cảnh báo rằng phương án này sẽ khiến nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, buộc FED phải tăng lãi suất sớm hơn dự định. Lãi suất thực và lãi suất danh nghĩa của trái phiếu chính phủ đã tăng và tác động tới các tài sản rủi ro như cổ phiếu.
Do những lo ngại về các nguy cơ có thể nảy sinh từ quyết định của FED, thay vì phục hồi như kỳ vọng, thị trường hiện phải đối mặt với những đòi hỏi về điều chỉnh.
Trong khi đó, các nghị sỹ Dân chủ đang thúc đẩy gói cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, trong đó có bao gồm khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp dành cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng triệu người đã quá hạn trả lãi, chưa thể thanh khoản thế chấp, thẻ tín dụng và các khoản nợ khác, một phần đáng kể của gói cứu trợ trên sẽ được sử dụng để giải quyết những vấn đề này và chỉ khoảng 1/3 gói kích cầu được dùng cho chi tiêu trong thực tế.
Điều này có nghĩa tác động của gói cứu trợ đối với các vấn đề như tăng trưởng, lạm phát và lãi suất trái phiếu sẽ nhỏ hơn nhiều so với dự tính. Hơn thế nữa, việc tiền tiết kiệm tăng lên cuối cùng sẽ được đổ vào trái phiếu chính phủ, vô hình chung khiến gói cứu trợ dành cho hộ gia đình trở thành gói cứu trợ dành cho ngân hàng và những nhà cho vay khác.
Chắc chắn, lạm phát cuối cùng sẽ xuất hiện nếu chính sách tiền tệ hóa thâm hụt diễn ra cũng với những cú sốc về nguồn cung gây gián đoạn trong các hoạt động thương mại và kinh tế. Rủi ro của những cú sốc này ngày càng tăng như hệ quả tất yếu của Chiến tranh Lạnh Trung-Mỹ.
Cuộc chiến này có nguy cơ kích hoạt quá trình phi toàn cầu hóa và chia tách kinh tế do các quốc gia theo đuổi chính sách bảo hộ kiểu mới và thu hồi các khoản đầu tư cùng cơ sở sản xuất ở nước ngoài về nước. Tuy nhiên, đây có thể là câu chuyện trong trung hạn, chứ chưa phải của năm 2021.
Trong năm nay, tăng trưởng có thể sẽ vẫn chưa hồi phục như kỳ vọng. Chủng mới của virus Corona đang tiếp tục xuất hiện làm dấy lên lo ngại rằng vaccine hiện nay không còn đủ hữu hiệu để ngăn chặn đại dịch.
Sự lặp lại của chu kỳ kích cầu và kìm hãm đã xói mòn niềm tin, và áp lực chính trị buộc phải mở cửa nền kinh tế trước khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ ngày càng lớn. Rất nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ đang có nguy cơ phá sản, và còn nhiều người hơn nữa đang dối diện với một viễn cảnh thất nghiệp dài hạn.
Thị trường tài sản hiện vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. FED lo ngại thị trường sẽ đột ngột sụp đổ nếu cắt giảm các gói cứu trợ. Sự gia tăng các khoản nợ tư nhân và nợ công sẽ trì hoãn quá trình bình thường hóa tiền tệ, và tình trạng đình đốn trong trung hạn cũng như rủi ro đối với nền kinh tế và thị trường tài sản sẽ tiếp tục gia tăng./.