Ngày 19/4, bốn trong số các tổ chức đa phương lớn nhất thế giới, bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Liên hợp quốc và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thông báo một cơ chế hợp tác chống trốn thuế.
Động thái này được coi là bước đầu trong công tác xây dựng và ban hành những công cụ và tiêu chuẩn chống trốn thuế quốc tế.
Trong thông cáo chung, các tổ chức này khẳng định việc củng cố hệ thống thuế quan, bao gồm chính sách và quản lý, là một vấn đề cần được hết sức ưu tiên.
Mục tiêu đầu tiên là hỗ trợ các quốc gia đang phát triển phát hiện và đấu tranh với các tập đoàn và doanh nghiệp đa quốc gia sử dụng các thủ thuật để giảm hoặc trốn thuế.
Theo Liên hợp quốc, chính phủ của các nền kinh tế đang phát triển bị thất thoát hàng tỷ USD tiền thuế mỗi năm.
Theo kết quả điều tra ở châu Âu, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã sử dụng các “kỹ xảo” tinh vi như chuyển thu nhập và tài sản sang các chi nhánh ở những nước có quy định thuế suất thấp.
Quyết định trên được đưa ra sau vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama,” tài liệu phanh phui những công ty "ma" ở nước ngoài của công ty luật Mossack Fonseca (Panama) giúp khách hàng rửa tiền và trốn thuế.
Theo các kết quả điều tra 11,5 triệu trang tài liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca ở Panama, công ty luật này đã tạo ra một "thiên đường trốn thuế," qua đó giúp các chính trị gia cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn thuế.
Trong năm 2013, OECD đã công bố một chương trình nhằm siết chặt các quy định liên quan đến thuế quan và yêu cầu các doanh nghiệp minh bạch hóa hồ sơ tài chính ở các nước mà các công ty này hoạt động kinh doanh./.