Bốn thách thức lớn của nền kinh tế Pháp trong năm 2021

Các chuyên gia INSEE của Pháp nhấn mạnh dự báo năm 2021 rằng do có nhiều bất ổn, sự phục hồi kinh tế sẽ phải đối mặt với một số ẩn số lớn như phá sản doanh nghiệp, thất nghiệp, thị trường tiêu dùng.
Bốn thách thức lớn của nền kinh tế Pháp trong năm 2021 ảnh 1Người dân xếp hàng bên ngoài một hiệu bánh ở Paris, Pháp ngày 22/5/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phá sản doanh nghiệp, thất nghiệp, thị trường tiêu dùng và bất bình đẳng là những ẩn số lớn của năm 2021 đối với nền kinh tế Pháp.

Các chuyên gia Viện thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE) nhấn mạnh trong dự báo năm 2021 rằng do có nhiều bất ổn, sự phục hồi kinh tế sẽ phải đối mặt với một số ẩn số lớn.

Bốn thách thức trên phải được đặc biệt theo dõi, vì những ẩn số này sẽ quyết định phần nào tốc độ phục hồi kinh tế. Các yếu tố này là sự gia tăng của những thất bại trong kinh doanh, sự phát triển của thị trường lao động và tỷ lệ thất nghiệp, mức độ tiêu dùng và tiết kiệm, sự gia tăng bất bình đẳng.

Giảm nguy cơ phá sản trong giới doanh nghiệp

Nhờ có lá chắn an toàn do Nhà nước chu cấp, thất bại trong kinh doanh đã giảm gần 40% trong năm 2020 so với năm 2019. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi các doanh nghiệp phải hoàn trả khoảng 127 tỷ euro (khoảng 156 tỷ USD) là các khoản vay đã được Nhà nước bảo lãnh, đồng thời Nhà nước sẽ giảm trợ cấp thất nghiệp một phần? Tất cả các nhà kinh tế dự đoán tình hình sẽ đảo ngược.

Theo công ty bảo hiểm Euler Hermes, số vụ phá sản sẽ tăng từ 33.000 vụ vào năm 2020 lên 50.000 vụ năm 2021 và 60.500 vụ năm 2022. Nhà kinh tế học Eric Heyer ước tính điều này dẫn đến sự biến mất của khoảng 180.000 việc làm trong năm 2021.

Nhà nghiên cứu và giảng viên đại học David Cayla phân tích việc tăng tốc phá sản thậm chí có thể đóng vai trò như một bong bóng, gây ảnh hưởng đến các chủ nợ khác nhau của các công ty như ngân hàng, nhà cung cấp, nhà tài trợ, nhà nước..., sau đó sẽ kích hoạt một cơ chế đáng lo ngại khiến cuộc khủng hoảng lan rộng từ các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất (khách sạn, nhà hàng, giải trí, du lịch...) sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế, thậm chí sang cả ngành tài chính.

Để tránh chuỗi lây nhiễm nguy hiểm này, Chính phủ Pháp đang nỗ lực kéo dài càng lâu càng tốt thời hạn trả nợ các khoản vay được nhà nước bảo lãnh, hiện có thể kéo dài đến 5 năm.

Nhà kinh tế học Bruno de Moura Fernandes chú ý đến tầm quan trọng của việc không loại bỏ sớm các biện pháp hỗ trợ dành cho doanh nghiệp. Theo ông, việc dừng quá sớm không chỉ không phát huy được hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ, mà còn làm gia tăng tốc độ phá sản.

Tránh thất nghiệp gia tăng

Một trong những vấn đề lớn của năm 2021 liên quan đến sự phát triển của thị trường việc làm. Ngân hàng trung ương Pháp ước tính tỷ lệ thất nghiệp sẽ đạt đỉnh 11% trong nửa đầu năm.

William De Vijlder, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng BNP Paribas, cho hay ngoài những thất bại trong kinh doanh sẽ khiến số người tìm việc tăng lên, một số biện pháp bảo trợ của nhà nước sẽ dừng lại ở một thời điểm nào đó. Việc hỗ trợ thất nghiệp một phần, liên quan đến 8,6 triệu người lao động vào lúc cao điểm của cuộc khủng hoảng là tháng 4/2020, đã duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức 9% vào cuối năm 2020.

[COVID-19 'tấn công' trực diện vào mô hình kinh tế của Pháp]

Việc cắt giảm khoản hỗ trợ này, dự kiến ban đầu vào tháng 11/2020, được kéo dài đến ngày 1/2/2021. Chỉ những khu vực bị đóng cửa theo quyết định hành chính sẽ tiếp tục được hưởng lợi đầy đủ cho đến cuối tháng Sáu. Song không có gì khẳng định rằng lịch trình này sẽ không thay đổi một lần nữa, nếu tình hình y tế không được cải thiện.

Phục hồi tăng trưởng sẽ tạo ra việc làm, nhưng các dự báo hiện nay rất khác nhau. Ngân hàng trung ương cho rằng sẽ có thêm 30.000 việc làm mới trong năm 2021, một giả định thấp hơn nhiều so với dự báo của chính phủ là 435.000 vị trí.

Khuyến khích hộ gia đình tiêu dùng hơn là tiết kiệm

Trong bối cảnh thị trường việc làm có nhiều bất ổn và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, liệu các hộ gia đình có muốn tiêu tiền tiết kiệm tích lũy vào năm 2020 hay họ sẽ tiếp tục tiêu dùng một cách thận trọng?

Ngân hàng BNP Paribas tin rằng “nhu cầu bị dồn nén trong năm 2020 đem đến hy vọng thực sự về gia tăng tiêu dùng.” Nhưng chỉ cần có khó khăn trong việc di chuyển giữa các vùng miền hoặc trong du lịch vì lý do y tế, các khoản chi tiêu vẫn sẽ rất hạn chế.

Do đó, ngân hàng này nghiêng nhiều hơn về giả thuyết thứ hai, đó là sự thận trọng. Dự đoán khoản tiết kiệm bổ sung, 130 tỷ euro (khoảng 160 tỷ USD) vào cuối năm 2020, sẽ đạt 200 tỷ euro (khoảng 245 tỷ USD) trong hai năm. Đây là một khoản dự trữ tăng trưởng đáng kể cho tương lai, tương đương 5% GDP. Thách thức đặt ra là phải thành công trong việc tái đầu tư khoản tiết kiệm này vào nền kinh tế, thông qua tiêu dùng hoặc đầu tư.

Theo các chuyên gia của viện Rexecode, việc chuyển các khoản tiết kiệm sang thành nguồn tài chính cho các doanh nghiệp sẽ là đòn bẩy quan trọng để tránh tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài do thiếu đầu tư hiệu quả.

Hạn chế sự gia tăng bất bình đẳng

Kể từ khi cuộc khủng hoảng y tế bắt đầu, việc bơm tiền công ồ ạt đã giúp bảo toàn thu nhập hộ gia đình, song đã không ngăn cản được sự xuất hiện của những bất bình đẳng mới.

Một số hạng mục nghề nghiệp, như lao động tự do, bị ảnh hưởng nhiều hơn lao động làm công ăn lương. Những người bấp bênh nhất đang phải đối mặt với sự biến mất của những công việc nhỏ và ngắn hạn, nhất là đối với sinh viên và lao động trẻ khi triển vọng hội nhập thị trường việc làm trở nên khó khăn.

Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc khủng hoảng này là cơ hội cho các biện pháp phục hồi chưa từng có, nhưng bất chấp thiện chí của kế hoạch này, các lỗ hổng vẫn tồn tại nhiều, đặc biệt là đối với thanh niên.

Các chuyên gia cho rằng không thể chờ đợi sự phục hồi để hy vọng tình hình của những lao động trên được cải thiện. Họ kêu gọi phải hành động ngay từ bây giờ để thế hệ trẻ và những người dễ bị tổn thương nhất không trở thành đối tượng "bị hy sinh cũng như bị lãng quên"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục