Bốn 'ông lớn dược phẩm' Mỹ chi 26 tỷ USD để dàn xếp vụ kiện về opioid

McKesson, Cardinal Health, Amerisource Bergen, Johnson & Johnson sẽ chi trả khoản tiền trên để giải quyết khoảng 4.000 đơn kiện cũng như thực hiện các chương trình xử lý khủng hoảng.
Bốn 'ông lớn dược phẩm' Mỹ chi 26 tỷ USD để dàn xếp vụ kiện về opioid ảnh 1Thuốc giảm đau opioid trong một đơn thuốc tại Washington DC., ngày 18/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các công tố viên Mỹ ngày 21/7 đã công bố một thỏa thuận đề xuất sâu rộng, theo đó bốn “ông lớn” dược phẩm bị cáo buộc thúc đẩy cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau opioid trên toàn quốc sẽ chi tới 26 tỷ USD để dàn xếp hàng nghìn đơn khiếu kiện.

Người đứng đầu cơ quan Tư pháp bang New York, bà Letitia James, cho biết theo thỏa thuận, ba nhà phân phối thuốc gồm McKesson, Cardinal Health và Amerisource Bergen, cùng nhà sản xuất thuốc Johnson & Johnson sẽ chi trả khoản tiền trên để giải quyết khoảng 4.000 đơn kiện cũng như thực hiện các chương trình xử lý khủng hoảng và nhằm tránh các hệ lụy tài chính khác.

Cụ thể, J&J đồng ý trả 5 tỷ USD trong 9 năm cũng như ngừng bán opioid trên toàn quốc.

[Mỹ: Ba nhà phân phối chi hơn 1 tỷ USD dàn xếp vụ bê bối opioid]

Trong khi đó, ba nhà phân phối sẽ trả tới 21 tỷ USD trong 18 năm, và chấp thuận thiết lập một trung tâm thanh toán bù trừ để giúp cơ quan chức năng theo dõi việc vận chuyển thuốc và có thể tăng cường kiểm tra đối với các đơn hàng đáng ngờ.

Bà Letitia nhấn mạnh: “Nhiều công ty sản xuất và phân phối thuốc opioid trên cả nước kinh doanh mà không quan tâm đến cuộc sống hoặc thậm chí cuộc khủng hoảng quốc gia mà họ đang gây ra. Ngày hôm nay, chúng tôi đang yêu cầu các công ty này phải chịu trách nhiệm và đền bù hàng chục tỷ USD cho các cộng đồng trên toàn quốc."

Bà cho biết thêm thỏa thuận dàn xếp này xoay quanh các vụ kiện dân sự, song từ chối bình luận về việc liệu có thể thúc đẩy các cáo buộc hình sự hay không.

Đây là thỏa thuận dàn xếp lớn nhất được công bố trong nỗ lực của giới chức tư pháp kéo dài nhiều năm nhằm buộc ngành sản xuất dược phẩm phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng opioid - nguyên nhân khiến hơn 500.000 người tử vong tại Mỹ trong 20 năm qua.

Ba nhà phân phối bày tỏ tin tưởng rằng thỏa thuận và quy trình giải quyết được đề xuất trên là những bước quan trọng để giải quyết các khiếu nại về vấn đề opioid cũng như cung cấp các khoản hỗ trợ cho các cộng đồng trên khắp nước Mỹ.

Tuy nhiên, ít nhất hai bang, Washington và Western Virginia, đã lên tiếng phản đối.

Người đứng đầu cơ quan tư pháp Washington Bob Ferguson cho rằng đề xuất đền bù 527,5 triệu USD cho bang này trong hơn 18 năm “không đủ để giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng opioid.”

Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan Tư pháp bang Virginia Patrick Morrisey, nhận định thỏa thuận này "đánh lạc hướng” các bang nhỏ hơn bằng cách phân bổ nguồn tiền trên cơ sở dân số thay vì xét tới "mức độ của cuộc khủng hoảng."

Trái lại, các công tố viên ủng hộ thỏa thuận bày tỏ hy vọng rằng hầu hết các bang sẽ chấp nhận.

Hiện ngoài New York và North Carolina, các bang Connecticut, Delaware, Louisiana, Pennsylvania và Tennessee đã ký vào thỏa thuận dàn xếp nói trên.

Opioid là loại thuốc giảm đau có nguồn gốc từ thuốc phiện, chứa một số chất gây nghiện như morphin hay endorphin. Opioid từng gây ra cuộc khủng hoảng nghiện thuốc giảm đau trên toàn nước Mỹ.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính khoảng 500.000 người đã tử vong vì sử dụng quá liều opioid kể từ năm 1999-2019.

Bộ Y tế Mỹ cho rằng cuộc khủng hoảng là nguyên nhân làm giảm tuổi thọ trung bình trong bốn năm liên tiếp tại nước này vào các năm 2014, 2015, 2016 và 2017.

Hồi tháng 10/2017, cựu Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố đây là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục