Trong cuộc gặp tại Rome (Italy) ngày 22/6, các nhà lãnh đạo bốn nền kinh tế hàng đầu Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gồm Italy, Pháp, Tây Ban Nha và Đức đã cam kết đưa ra các biện pháp mới nhằm hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc huy động 130 tỷ euro (163 tỷ USD).
Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết các nhà lãnh đạo đã nhất trí huy động 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Âu, tương đương khoảng 120-130 tỷ euro. Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá động thái này là "một tín hiệu quan trọng", đồng thời kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn để ổn định đồng euro.
Bà nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đồng euro trở lại là một đồng tiền ổn định."
Thủ tướng Italy Mario Monti cho biết bốn nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng các biện pháp được tiến hành cho đến nay là chưa đủ và khẳng định việc khởi động tăng trưởng trong eurozone là chìa khóa để khôi phục lòng tin. Các thị trường cũng như các công dân của Liên minh châu Âu (EU) cần coi việc sử dụng đồng euro là "không thể đảo ngược."
Ông Monti chỉ rõ "mục tiêu đầu tiên mà bốn nước nhất trí là tái phát động tăng trưởng, đầu tư và tạo việc làm."
Tuy nhiên, giới phân tích nhận xét vẫn tồn tại bất đồng giữa các bên. Trong khi Thủ tướng Đức Merkel thúc đẩy hội nhập tài chính sâu hơn trong eurozone thì Tổng thống Pháp Hollande muốn dành ưu tiên cao hơn cho việc chia sẻ gánh nặng tài chính.
Hội nghị bốn bên trên diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 28-29/6 tại Brussels./.