Sức hấp dẫn hiện nay của châu Phi đang tạo ra làn sóng quan tâm mới từ thế giới bên ngoài đối với châu lục, tuy nhiên, châu Phi sẽ phải làm gì để hưởng lợi từ xu hướng mới này.
Theo trang mạng economist.com, làn sóng bên ngoài quan tâm đến châu Phi đầu tiên, có thể được gọi là “sự tranh giành” đầu tiên, diễn ra vào thế kỷ XIX khi thực dân châu Âu xâu xé và chiếm đất đai của Lục địa Đen.
Làn sóng thứ hai là vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa 2 khối xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa nhằm tìm kiếm đồng minh trong số các quốc gia châu Phi mới độc lập.
Làn sóng thứ ba hiện đang diễn ra và dường như không có đổ máu như hai lần trước đó.
Thế giới bên ngoài đã nhận ra tầm quan trọng của châu Phi hiện nay và sẽ ngày càng quan trọng hơn nữa trong tương lai, không chỉ bởi tỷ lệ dân số châu lục trong tổng số dân toàn cầu ngày càng tăng (đến năm 2025, Liên hợp quốc dự đoán dân số toàn châu Phi sẽ vượt dân số Trung Quốc).
Chính phủ và giới doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đang gấp rút tăng cường quan hệ ngoại giao, thúc đẩy chiến lược và thương mại với châu Phi, tạo ra những cơ hội lớn đối với lục địa này.
Nếu châu Phi tiếp nhận làn sóng mới một cách khôn ngoan, bên hưởng lợi chủ yếu sẽ chính là người dân châu Phi. Sự can dự bên ngoài đối với Lục địa Đen đang ở mức cao nhất trong lịch sử.
Về mặt ngoại giao, trong giai đoạn từ năm 2010-2016, có hơn 320 đại sứ quán đã được mở tại châu Phi. Đây có lẽ là sự bùng nổ xây dựng đại sứ quán lớn nhất từ trước đến nay.
[Vì sao các nước vùng Vịnh đặc biệt quan tâm đến Sừng châu Phi]
Mối quan hệ quân sự cũng ngày càng sâu sắc. Mỹ và Pháp đang hỗ trợ vũ khí, khí tài và công nghệ cho cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực Sahel. Trung Quốc hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho khu vực Nam Sahara của châu Phi và thiết lập quan hệ về công nghệ quốc phòng với 45 quốc gia.
Từ năm 2014 đến nay, Nga đã ký 19 thỏa thuận quân sự với các nước châu Phi. Các quốc gia Arab giàu dầu mỏ đang xây dựng các căn cứ quân sự ở khu vực Sừng châu Phi, cũng như tiếp cận đội ngũ lính đánh thuê châu Phi. Quan hệ thương mại với châu Phi cũng đang được tăng cường.
Năm 2006, Mỹ, Trung Quốc và Pháp là 3 đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Năm 2018, thứ tự trên đã thay đổi rất nhiều với vị trí mới lần lượt là Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Cũng trong khoảng thời gian đó, thương mại song phương châu Phi với Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia tăng 3 lần, với Nga tăng hơn 4 lần.
Thương mại châu Phi với Liên minh châu Âu (EU) đạt mức tăng trưởng khiêm tốn hơn, khoảng 41%. Nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vẫn là từ các công ty Mỹ, Anh và Pháp, nhưng các công ty Trung Quốc, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước, đang bắt kịp các đối thủ, trong khi các nhà đầu tư từ Ấn Độ và Singapore cũng rất muốn tham gia cuộc cạnh tranh này.
Định kiến của người châu Phi về người nước ngoài ở châu lục là những kẻ thực dân mới, chỉ quan tâm đến vơ vét tài nguyên thiên nhiên trên lục địa, ít chú ý đến người dân sở tại, cũng như sẵn sàng mua chuộc các ông lớn địa phương trong các giao dịch mờ ám vốn không có lợi gì đối với thường dân.
Đôi khi, định kiến trên có thể đúng. Tuy nhiên, giao thương với thế giới bên ngoài vẫn sẽ mang lại kết quả tích cực đối với người dân châu Phi. Các đối tác bên ngoài xây dựng cảng, bán bảo hiểm và mang đến công nghệ điện thoại di động…
Do đó, trước hết, chính sự thông thoáng hơn về thương mại và đầu tư là lý do chủ yếu dẫn đến thu nhập bình quân trên đầu người hiện nay ở phía Nam Sahara châu Phi đã tăng hơn 40% so với năm 2000. Tất nhiên, thành công đó còn nhờ chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh hơn và ít chiến tranh hơn.
Người nước ngoài hiện diện ở châu Phi cũng mang lại lợi ích thương mại đối với người dân sở tại thông qua các hoạt động mua bán sản phẩm dệt may, chi tiêu cho ngày nghỉ lễ và các dịch vụ kỹ thuật số. Dù vậy, chính người châu Phi cũng có thể làm nhiều hơn nữa để tăng tỷ suất lợi nhuận của chính mình.
Trước hết, cử tri và các nhà hoạt động cần đặt trọng tâm vào sự minh bạch. Việc Nam Phi đang điều tra các thỏa thuận có nhiều nghi vấn dưới thời Tổng thống Jacob Zuma là tín hiệu đáng mừng, nhưng tình hình vẫn đáng báo động tại Cộng hòa Dân chủ Congo với nhiều hành vi thiếu minh bạch chưa được đưa ra ánh sáng, cũng như các điều khoản hợp đồng cho vay của Trung Quốc đối với nhiều chính phủ châu Phi khiến đối tác lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vẫn chưa được công khai.
Để đảm bảo bất kỳ thỏa thuận nào đều có lợi cho cả thường dân và những người có đặc quyền, đặc lợi, cử tri phải được biết nội dung các hợp đồng. Thứ hai, các nhà lãnh đạo của châu Phi cần phải nâng tầm tư duy chiến lược hơn nữa.
Châu Phi có thể đông dân như Trung Quốc, nhưng lục địa này gồm 54 nước chứ không phải là một quốc gia. Nếu đoàn kết hơn, chính phủ các nước châu Phi có thể đạt được các thỏa thuận tốt hơn. Một châu Phi đoàn kết chắc chắn có thể làm tốt hơn so với việc để Trung Quốc đàm phán với từng nước riêng lẻ và phía sau các cánh cửa đóng kín.
Thứ ba, kinh nghiệm từ Chiến tranh Lạnh cho thấy các nhà lãnh đạo châu Phi không được phép lựa chọn đứng về bất kỳ phe phái nào. Các nước châu Phi có thể làm ăn với các nền dân chủ phương Tây và cả Trung Quốc và Nga, hoặc bất cứ ai khác có thể cung cấp dịch vụ, hàng hóa theo nhu cầu.
Đứng trước rất nhiều sự lựa chọn hiện nay, người châu Phi có thể đàm phán để đạt được nhiều lợi ích hơn nữa. Các đối tác bên ngoài không nên coi sự cạnh tranh ở châu Phi là cuộc chiến tàn sát.
Cuối cùng, người châu Phi nên cẩn trọng với các tuyên bố của những người bạn mới. Trung Quốc lập luận rằng dân chủ là ý tưởng phương Tây. Thông điệp này có vẻ hấp dẫn với những người theo đường lối cứng rắn ở châu Phi, nhưng đó chỉ là quan điểm ngụy biện.
Công trình của tiến sỹ Takaaki Masaki, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Ngân hàng Thế giới và giáo sư Nicolas van de Walle thuộc Đại học Cornell (Mỹ) đưa ra kết luận các nước châu Phi càng dân chủ hơn sẽ càng tăng trưởng nhanh hơn.
Thực tế là với chất lượng giáo dục được cải thiện và xu hướng di cư ồ ạt đến các thành phố, người dân châu Phi ngày càng có những nhận xét nghiêm khắc hơn đối với các nhà lãnh đạo và họ dám nói ra quan điểm cá nhân.
Khi chính trị trở nên cạnh tranh hơn, tiếng nói của cử tri sẽ có trọng lượng hơn. Chính cử tri sẽ quyết định dạng thức của toàn cầu hóa phù hợp với cả người châu Phi và đối tác nước ngoài./.