Đến giờ phút này, thông tin về địa điểm bấm máy cho bộ phim bom tấn “Kong: Skull Island” (Kong: Đảo đầu lâu) tại Quảng Bình vẫn không được hé lộ.
Tuy nhiên, hoạt động tập kết thiết bị, chuẩn bị cơ sở hạ tầng của đoàn làm phim trong thời gian qua tại khu vực hồ nước Yên Phụ (xã Trung Hóa) và hang Chuột (xã Tân Hóa), huyện Minh Hóa đã nói lên tất cả.
Trước khi đoàn làm phim đóng cửa trường quay để bấm máy theo kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập,” phóng viên TTXVN đã kịp thời có mặt để ghi nhận hình ảnh tại đây…
Hồ nước Yên Phụ nằm xa khu dân cư, rộng mênh mông, sát dưới dãy núi đá vôi kéo dài. Đứng trước hồ nước nhìn về phía mờ xa là dãy núi nhấp nhô, trùng điệp gợi nên cảm giác xa xưa, bí ẩn. Khung cảnh êm ả, không nhiều tiếng động, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng cá quẫy nước hoặc cùng lắm là tiếng lao xao cất, hạ cánh của đàn cò trắng mà thôi…
Cách hồ Yên Phụ khoảng 600m, nhiều người trong đoàn làm phim đang tất bật với nhiều công việc như vận chuyển thiết bị, dựng nhà để ở, nhà vệ sinh công cộng...
Phía ngoài đường, những nhân công là người địa phương cũng đang góp sức hoàn thành phần việc san lấp mặt bằng để đảm bảo cho xe ôtô của đoàn làm phim có thể vào ra dễ dàng.
Ông Cao Tiến Hành, khoảng hơn 50 tuổi, ở thôn Yên Phụ, xã Trung Hóa, là một trong 3 người nhận thầu nuôi cá ở hồ Yên Phụ cho biết, thời gian tới, ông sẽ phải tạm thời dừng công việc của mình để nhường chỗ cho đoàn làm phim.
Đoàn cũng đã thương lượng với ông việc tháo dỡ cái chòi canh cá để trả lại cảnh quan nguyên sơ cho hồ.
Dù có ảnh hưởng ít nhiều đến công việc nhưng ông rất vui vì đoàn làm phim rất thân thiện, cởi mở và hỗ trợ tổn thất cho gia đình ông.
“Xã Trung Hóa có nhiều cảnh đẹp, có thể do nằm ở vùng sâu, vùng xa nên nhiều người còn chưa biết đến. Thế mà đoàn làm phim tận bên Mỹ họ lại biết. Qua bộ phim này hy vọng miền quê hương Trung Hóa xa xôi có thêm nhiều người biết và yêu hơn,” ông Hành chia sẻ thêm.
Tại xã Tân Hóa, trong những ngày qua, công việc chuẩn bị của đoàn làm phim xem ra khá tất bật.
Họ đã bỏ ra khoảng trên 2 tỷ đồng để xây dựng một con đường dài gần 5km nối trung tâm thôn Yên Thọ của xã đến khu vực hang Chuột. Con đường này trước mắt là phục vụ đoàn làm phim nhưng sau này sẽ được xem như một món quà nhỏ tặng cho người dân ở đây.
Nằm ở khoảng giữa con đường ấy, đoàn làm phim cũng đã kịp dựng lên các lán trại để tập trung thiết bị, làm nơi ăn ở cho các thành viên của đoàn trong thời gian thực hiện cảnh quay ở đây.
Hang Chuột ở xã Tân Hóa - nơi dự kiến sẽ diễn ra nhiều cảnh quay quan trọng cho bộ phim là một điểm khá độc đáo, ngay từ cái tên.
Hang này có cửa động rộng, chiều sâu ước chừng gần 500m. Trong lòng hang có nhiều măng đá, nhũ đá với màu sắc khác nhau nhưng chủ đạo là hai màu trắng và hồng.
Đi hết hang xuyên núi sẽ gặp một thung lũng khá rộng có tên là Ken, do nơi đây mọc đầy cây ken, tiếng phổ thông gọi là cây muông. Bình thường thung lũng có màu xanh mướt nhưng vào mùa cây nở hoa thì chuyển sang một màu tím ngắt trông rất hấp dẫn và bắt mắt.
Anh Cao Thanh Lâm, ở xã Tân Hóa cho biết kể từ năm ngoái, người của đoàn làm phim đã nhiều lần đến đây. Họ làm việc rất chu đáo, thân thiện, cởi mở.
Trong quá trình xây dựng phim trường điều gì ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, đoàn làm phim đều giải quyết ổn thỏa. Có nhiều trường hợp được hỗ trợ, đền bù để chuyển chuồng trại chăn nuôi trong quá trình xây dựng đường giao thông phục vụ trường quay…
Anh Lâm cũng cho biết trong khoảng từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lượng du khách nước ngoài đến Tân Hóa tăng cao hơn.
Chị Rosalind, đến từ nước Mỹ cho biết ngoài việc thăm Phong Nha-Kẻ Bàng với hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng, chị đến Quảng Bình vì muốn biết các địa điểm mà nhà làm phim Hollywood chọn để quay phim "Kong: Skull Island" sẽ như thế nào, hấp dẫn ra sao?
Ngoài hai địa điểm được nêu ở trên, cũng có nhiều nguồn tin cho rằng đoàn làm phim Hollywood còn chọn khu vực đèo Đá Đẽo thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình để quay cảnh trong bộ phim "Kong: Skull Island."
Khu vực đèo Đá Đẽo là nơi đặc biệt được nhiều người biết. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đèo Đá Đẽo là một “tử huyệt” mà giặc Mỹ điên cuồng đánh phá hòng ngăn chặn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.
Nơi đây giờ đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Hiện ở đây cảnh quan hãy còn hoang sơ, bí ẩn với núi non trùng trùng, điệp điệp ẩn hiện trong màn sương mờ ảo.
Có thể đó chính là lý do khiến Hollywood chọn nơi này để quay những phân cảnh quan trọng trong bộ phim bom tấn "Kong: Skull Island"./.