Ngày 10/11, Tổng thống Bolivia vừa từ chức Evo Morales đã lên án lệnh bắt giữ "trái phép" nhằm vào ông mà lực lượng cảnh sát nước này công bố mới đây.
Hãng thông tấn Prensa Latina dẫn tuyên bố trên Twitter của ông Morales nhấn mạnh: "Trước thế giới và toàn thể người dân Bolivia, tôi lên án một thông báo của cảnh sát nước này về lệnh bắt giữ "bất hợp pháp" chống lại tôi."
Ông Morales đồng thời lên án vụ tấn công nhằm vào nhà riêng của ông do các nhóm "bạo lực" tiến hành, và cho biết những kẻ đảo chính đã phá vỡ pháp quyền, chỉ ít giờ sau khi ông tuyên bố từ chức Tổng thống Bolivia.
Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của cảnh sát Bolivia cho biết không có lệnh bắt giữ nào nhằm vào ông Morales.
[Bolivia: Tổng thống Morales tuyên bố cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn]
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Bolivia Morales đã tuyên bố từ chức sau gần 14 năm cầm quyền. Nhà lãnh đạo Bolivia tố cáo ông là nạn nhân của một cuộc đảo chính và buộc phải từ chức để tránh một cuộc đổ máu không cần thiết cũng như vì sự bình yên của đất nước.
Ngay sau khi thông báo trên được đưa ra, đã có nhiều nước Mỹ Latinh bày tỏ sự ủng hộ đối với với ông Morales. Chính phủ Nicaragua cùng ngày ra thông cáo lên án mạnh mẽ cái gọi là "cuộc đảo chính" tại Bolivia.
Thông cáo của Chính phủ Tổng thống Daniel Ortega bày tỏ tự sự phản đối đối việc các hành động "phátxít" phớt lờ hiến pháp, luật pháp và các cơ quan đang điều hành quốc gia này.
Cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, người vừa được thả tự do khi đang phải chấp hành bản án về tội tham nhũng, cũng lên án hành động đảo chính nhằm vào nhà lãnh đạo Bolivia.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, Chính phủ Colombia đã kêu gọi triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng thường trực Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) nhằm hỗ trợ tìm kiếm giải pháp về tình hình Bolivia, sau khi Tổng thống Evo Morales tuyên bố từ chức sau gần 14 năm cầm quyền.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Colombia nhấn mạnh Chính phủ của Tổng thống Ivan Duque quan tâm tới các sự kiện gần đây xảy ra tại Bolivia, sau khi OAS có báo cáo sơ bộ về cuộc kiểm tra kết quả bầu cử hôm 20/10 vừa qua tại quốc gia Nam Mỹ này và sau đó là sự kiện Tổng thống Morales tuyên bố từ chức.
Colombia mời đại diện của các tổ chức nhà nước thuộc nhiều đảng chính trị, xã hội khác cùng hợp tác nhằm giúp La Paz đảm bảo quá trình chuyển giao chính phủ một cách hòa bình, tuân thủ nghiêm các quy định của hiến pháp, hệ thống pháp luật của Bolivia với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Trong một diễn biến liên quan, truyền thông nhà nước Bolivia đưa tin ngày 10/11 người biểu tình ở thủ đô La Paz đã chiếm giữ Đại sứ quán Venezuela tại đây.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã lên án “cuộc đảo chính” nhằm vào đồng minh theo đường lối cánh tả Evo Morales sau khi người đồng cấp Bolivia tuyên bố từ chức sau những lời kêu gọi từ phía lực lượng quân đội của nước này đòi ông từ bỏ quyền lực để giữ hòa bình cho đất nước./.