Ngày 22/11, ông Henry Cabrera, một nghị sỹ thuộc đảng Phong trào tiến lên chủ nghĩa xã hội (MAS), hiện đang chiếm đa số tuyệt đối tại cả thượng viện lẫn hạ viện Bolivia, cho biết Quốc hội nước này sẽ thông qua dự thảo luật mới nhằm mở đường cho cuộc tổng tuyển cử mới.
Theo ông Henry Cabrera, sau khi các đảng phái chính trị đạt được thỏa thuận, Thượng viện Bolivia sẽ tiến hành bỏ phiếu về dự luật nêu trên và văn kiện này dự kiến sẽ được Hạ viện thông qua trong ngày 23/11.
Trước đó, ngày 16/11, MAS đã triệu tập một phiên họp quốc hội khẩn cấp để thảo luận về việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới, sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 20/10 đẩy quốc gia Nam Mỹ này vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.
[Tổng thống tạm quyền Bolivia hối thúc tổ chức tổng tuyển cử sớm]
Trong một cuộc họp báo chung, Chủ tịch Thượng viện Eva Copa và Chủ tịch Hạ viện Sergio Choque, đều thuộc MAS và đều mới được bầu tuần này sau khi 2 người tiền nhiệm từ chức, thông báo về lệnh triệu tập phiên họp lưỡng viện, đồng thời kêu gọi tái thiết hòa bình tại Bolivia sau khi số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình từ cuối tháng 10 vừa qua đã lên tới gần 20 người và khoảng 500 người khác bị thương.
Trong khi đó, ngày 20/11, Tổng thống tạm quyền Bolivia Jeanine Anez cũng đã yêu cầu quốc hội nước này thông qua dự luật cho phép tổ chức cuộc tổng tuyển cử sau khi cựu Tổng thống Evo Morales từ chức và tình hình biểu tình trong nước này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Phát biểu với báo giới, bà Anez kỳ vọng dự luật mới đề xuất sẽ tạo ra nền tảng cho sự đồng lòng giữa người dân Bolivia.
Dự luật này nhằm hủy bỏ kết quả bầu cử tổng thống hồi tháng 10 vừa qua và tìm cách thành lập một ủy ban bầu cử mới.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Bolivia Alvaro Coimbra, nếu được quốc hội thông qua, dự luật sẽ cho phép bầu ra một ủy ban bầu cử mới trong vòng 15 ngày, qua đó có thể ấn định ngày tổ chức tổng tuyển cử.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình của những người ủng hộ cựu Tổng thống Morales và các cuộc biểu tình bạo động của phe đối lập vẫn tiếp diễn trên khắp cả nước Bolivia, buộc cảnh sát và quân đội có biện pháp ngăn chặn.
Cựu Tổng thống Morales khẳng định nếu Quốc hội đa sắc tộc Bolivia bác bỏ quyết định từ chức của ông thì ông sẽ tiếp tục đảm nhiệm cương vị này để hoàn thành nốt nhiệm kỳ của mình.
Phát biểu tại một cuộc họp báo từ Mexico nơi ông đang tị nạn, cựu lãnh đạo Bolivia nhắc lại rằng sau khi “trật tự Hiến pháp” bị gián đoạn, Quốc hội Bolivia vẫn chưa tiến hành việc xem xét có chấp nhận đề nghị từ chức của ông hay không.
Trong một diễn biến mới nhất về tình hình tại Bolivia, Bộ trưởng Nội vụ Arturo Murillo đã đệ đơn kiện cựu Tổng thống nước này Evo Morales, với các tội danh “xúi giục nổi loạn và khủng bố” sau khi cáo buộc ông Morales kêu gọi người biểu tình tiếp tục phong tỏa các tuyến đường, gây cản trở việc vận chuyển lương thực và nhiên liệu tới thủ đô La Paz.
Phát biểu với báo giới, ông Murillo cho biết đã trình đơn kiện lên các công tố viên liên bang tại La Paz, đồng thời khẳng định chính quyền lâm thời đang tìm kiếm mức phạt cao nhất cho các tội danh nhằm vào ông Morales./.