Bolivia hoãn thông báo kết quả trưng cầu dân ý không nêu lý do

Hội đồng bầu cử quốc gia Bolivia đã hoãn đưa ra kết quả của cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp xem xét khả năng cho phép Tổng thống Evo Morales ra tái cử vào năm 2019.
Bolivia hoãn thông báo kết quả trưng cầu dân ý không nêu lý do ảnh 1Tổng thống Evo Morales. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 21/2, đúng 11 giờ đêm (giờ địa phương), tức 10 giờ sáng ngày 22/2 (theo giờ Hà Nội), Hội đồng bầu cử quốc gia Bolivia ra thông báo hoãn đưa ra kết quả của cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp xem xét khả năng cho phép Tổng thống Evo Morales ra tái cử vào năm 2019.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Hội đồng bầu cử quốc gia cho biết sẽ thông báo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý diễn ra cùng ngày vào ngày 22/2 nhưng không đưa ra lý do.

Phát biểu trong buổi họp báo 6 tiếng sau khi các địa điểm bỏ phiếu đóng cửa, Phó Tổng thống Alvaro García Linera tuyên bố cho tới thời điểm đó, kết quả sơ bộ của cuộc bỏ phiếu với hai phương án “đồng ý” và “không đồng ý” là “hòa kỹ thuật.”

Ông Linera cũng cho rằng những kết quả thăm dò bên thềm cuộc trưng cầu dân ý không chính xác và có thể có những thay đổi đáng kể khi kết quả chính thức được công bố, đồng thời khẳng định sẽ tôn trọng kết quả bỏ phiếu của các cử tri. Tuy nhiên, ông này tố cáo phe đối lập được sự hậu thuẫn tích cực của các thế lực thù địch bên ngoài đã tiến hành cuộc chiến truyền thông bôi nhọ Tổng thống Morales và Chính phủ.

Khoảng 6,5 triệu cử tri Bolivia trong tổng số 10,5 triệu dân Bolivia đã tham gia bỏ phiếu tại gần 4.800 địa điểm trên toàn quốc trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp cho phép Tổng thống theo đường lối cánh tả Evo Morales được quyền ra tái cử một nhiệm kỳ nữa. Luật pháp Bolivia quy định việc thông báo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý có thể chậm tới 7 ngày.

Ông Morales, vị tổng thống người thổ dân đầu tiên trong lịch sử Bolivia, đã phá kỷ lục về thời gian cầm quyền tại đất nước từng có thời gian chìm trong bất ổn và các cuộc đảo chính này.

Sau 10 năm cầm quyền, Bolivia hiện là một trong những nền kinh tế phát triển năng động và ổn định nhất tại Nam Mỹ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng trung bình 5% mỗi năm và tỷ lệ người nghèo giảm đáng kể.

Hơn 100 quan sát viên quốc tế, trong đó có 25 chuyên gia thuộc Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), đã tham gia giám sát cuộc bỏ phiếu. Tổng Thư ký UNASUR Ernesto Samper cho rằng cuộc trưng cầu dân ý đã diễn ra an toàn và minh bạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục