Trong hơn hai năm qua, hơn 2.000 lãnh đạo, giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ, giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng và 19 trường thành viên được bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, năng lực giảng dạy, năng lực nghiên cứu và phát triển các kỹ năng theo Dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học (Dự án PHER).
Đây là thông tin được ban tổ chức dự án cho biết tại sự kiện Learning event vùa diễn ra tại Đà Nẵng ngày 12/12. Sự kiện nhằm đánh giá các kết quả thực hiện dự án trong giai đoạn 2022-2024, trao đổi bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai.
Dự án được thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa ba đại học (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng) với Đại học Indiana (Hoa Kỳ) cùng các đối tác và chuyên gia trong và ngoài nước, dự án đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng, từng bước góp phần thực hiện mục tiêu trở thành những đại học mang tầm quốc tế của ba đại học Việt Nam.
Qua hơn hai năm thực hiện, Dự án đã triển khai các hoạt động như tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, giảng viên nhà khoa học; tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học chuyên đề nhằm đẩy mạnh hoạt động hợp tác nghiên cứu; và tư vấn phát triển các chương trình đào tạo, hệ thống thông tin quản lý… cho ba đại học theo bốn hợp phần chính của dự án gồm: Đổi mới quản trị đại học, Nâng cao chất lượng dạy và học, Nâng cao năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo và Tăng cường kết nối đại học-doanh nghiệp.
Hợp phần Đối mới quản trị đại học đã triển khai các hoạt động nổi bật như xây dựng và triển khai hệ thống quản trị theo kết quả (KPI), hệ thống thông tin quản lý (MIS), xây dựng các Dashboard phục vụ cho việc điều hành. Công tác đảm bảo chất lượng bên trong của các chương trình đào tạo được nâng cao thông qua việc phát triển các quy trình, công cụ, hướng dẫn nhằm đảm bảo các chương trình đào tạo đáp ứng được nhu cầu người học và thị trường lao động, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt của ba đại học được nâng cao năng lực lãnh đạo, học tập mô hình quản trị từ trường Đại học Indiana.
Ở hợp phần Nâng cao chất lượng dạy và học, 620 giảng viên của ba đại học được phát triển chuyên môn giảng dạy thông qua các khóa đào tạo cho giảng viên như “Giảng dạy vì thành công của sinh viên”, “Phát triển chuyên môn trong Giảng dạy kết hợp”. Dự án đã hỗ trợ phát triển năm khóa học trực tuyến, góp phần thúc đẩy tiến trình đào tạo trực tuyến phù hợp mô hình giáo dục đại học số của từng đơn vị. Dự án cũng đã hỗ trợ các đại học rà soát, chuẩn bị cho 17 chương trình thực hiện kiểm định chất lượng theo chuẩn ASIIN (Hội đồng kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các lĩnh vực Kỹ thuật, Thông tin và Khoa học tự nhiên) và ACBSP (Hội đồng kiểm định trường học và chương trình giảng dạy về kinh doanh).
Hạn chế xét tuyển đại học sớm để đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông
Đồng tình với chủ trương hạn chế xét tuyển sớm của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông và sự công bằng nhưng nhiều ý kiến cho rằng nên linh hoạt trong chỉ tiêu.
Ở Hợp phần Nâng cao năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, ba đại học được hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu thông qua hoạt động tiêu biểu như xây dựng và phát triển các Mạng lưới học thuật Việt Nam – Quốc tế (gọi tắt là VIAN); cải thiện hệ thống quản lý và hỗ trợ nghiên cứu; triển khai chương trình trao đổi học giả... Dự án đã hỗ trợ ba Đại học Việt Nam triển khai các hội thảo khoa học quốc tế với sự tham gia của các nhà khoa học uy tín quốc tế. Các đại học cũng đã hoàn thiện các quy chế, quy định về liêm chính khoa học, hội đồng đạo đức nghiên cứu, hướng đến một nền khoa học trung thực, trách nhiệm và minh bạch.
Về Hợp phần Tăng cường kết nối đại học-doanh nghiệp, 170 sinh viên được tập huấn nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và lãnh đạo, phát triển tiềm năng sáng tạo và làm chủ tương lai.
Với nhứng kết quả trên, các đại biểu tham gia dự kiện đánh giá trong giai đoạn vừa qua, dự án PHER đã có những đóng góp thiết thực cho các hoạt động quản trị, đào tạo, nghiên cứu khoa học tại ba đại học, hỗ trợ việc thực hiện các chiến lược phát triển của mỗi đại học. Các kết quả của dự án PHER đóng góp cho việc đạt được các chỉ số kết quả của Dự án Phát triển các Đại học Quốc gia Việt Nam mà các đại học học đang cùng thực hiện.
Các đại biểu cũng bày tỏ mong muốn trong giai đoạn tiếp theo, dự án PHER được triển khai hiệu quả, thành công hơn nữa hướng đến đạt được các mục tiêu chung mà dự án đã đề ra./.