Bội chi ngân sách nhà nước năm 2018 là 153.110 tỷ đồng

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.869.791,887 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2018 sang năm 2019.
Bội chi ngân sách nhà nước năm 2018 là 153.110 tỷ đồng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 114/2020/QH14 phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại, điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Theo đó, Quốc hội quyết nghị phân bổ 5.370,580 tỷ đồng vốn viện trợ không hoàn lại của ngân sách trung ương năm 2018 cho các bộ, cơ quan trung ương theo danh mục.

Quốc hội điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên, đồng thời tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2018 của Bộ Tài chính số tiền 1.991,061 tỷ đồng.

Quốc hội quyết nghị phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Cụ thể, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.880.029,177 tỷ đồng; bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2017 chuyển sang năm 2018, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2017, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

[Họp Quốc hội: Bảo đảm vững chắc nguồn thu ngân sách nhà nước]

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.869.791,887 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2018 sang năm 2019.

Bội chi ngân sách nhà nước là 153.110,403 tỷ đồng; bằng 2,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

Nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương gồm: vay trong nước 110.689,303 tỷ đồng; vay ngoài nước 42.421,100 tỷ đồng.

Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 284.806,197 tỷ đồng.

Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế được nêu trong Báo cáo thẩm tra số 1995/BC-UBTCNS14 ngày 26/5/2020 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước và ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Hằng năm, khi trình quyết toán phải báo cáo lũy kế kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước các năm trước.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, hạn chế thấp nhất tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế, chuyển nguồn; thực hiện nghiêm các quy định trong quản lý vốn đầu tư công, khắc phục triệt để tình trạng phát sinh nợ xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; giảm tỷ lệ chi thường xuyên theo nghị quyết của Quốc hội; bố trí dự toán đúng nghị quyết của Quốc hội; sử dụng hiệu quả các khoản chi cho giáo dục-đào tạo, khoa học và công nghệ.

Ngoài ra, Chính phủ đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và báo cáo Quốc hội danh sách, mức độ vi phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước niên độ 2018 khi trình Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục