Hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ ngày 29/7 thông báo thua lỗ lớn hơn dự kiến, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm sản xuất máy bay vì nhu cầu yếu sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo thông báo của Boeing, hãng đã chịu thiệt hại 2,4 tỷ USD trong quý 2, cụ thể doanh thu giảm 25% xuống còn 11,8 tỷ USD do hậu quả của vụ các máy bay 737 MAX bị cấm bay cũng như tác động của dịch bệnh.
Giám đốc điều hành Dave Calhoun cho biết: "Thực tế là tác động của dịch bệnh đối với lĩnh vực hàng không ngày càng nghiêm trọng. Sức ép này đồng nghĩa với việc khách hàng thương mại của chúng tôi hoãn kế hoạch mua máy bay, lùi thời điểm giao máy bay, hoãn các kỳ bảo dưỡng, giảm chi tiêu... tất cả ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh."
Ông Calhoun dự báo sẽ phải mất khoảng 3 năm để trở lại số lượng hành khách năm 2019.
[Giới chức hàng không Mỹ yêu cầu kiểm tra 2.000 máy bay Boeing]
Trước đó, một nhóm thương mại công nghiệp hàng không cho biết ít nhất đến năm 2024, lĩnh vực vận tải hàng không mới trở lại mức trước dịch, tức là lâu hơn 1 năm so với các dự báo trước đó.
Từ đầu năm đến nay, Boeing đã ghi nhận 59 đơn đặt hàng mới, nhưng có tới 382 đơn hủy, hầu hết đối với mẫu 737 MAX. Ngoài ra, 323 đơn hàng, cũng hầu hết là dòng 737 MAX này, đã phải xóa khỏi mục hàng tồn của Boeing vì thỏa thuận không chắc chắn.
Ông Calhoun cho biết công ty sẽ cắt giảm kế hoạch sản xuất máy bay và tiến tới ngừng sản xuất mẫu Boeing 747 vào năm 2022, giảm các kế hoạch sản xuất mẫu Boeing 777 và 787, và tăng sản xuất mẫu Boeing 737 nhưng với tốc độ chậm hơn kế hoạch trước đó.
Trong một thông điệp gửi tới nhân viên, ông Calhoun cảnh báo rằng công ty "sẽ tiếp tục đánh giá quy mô lực lượng lao động," hàm ý rằng sẽ tiếp tục cắt giảm lao động sau khi đã thông báo cắt giảm 10% nhân viên hồi đầu năm nay.
Trong khi mảng kinh doanh thương mại của Boeing bị tác động của dịch COVID-19, công ty cũng thông báo doanh thu trong mảng kinh doanh quốc phòng và vũ trụ kém hơn so với cùng kỳ năm trước.
Ông Calhoun cho biết công ty đang tiến hành các bước đi cần thiết để thích nghi với tình hình thị trường./.