Boeing giành hợp đồng cung cấp phụ tùng máy bay cho Iran

Boeing sẽ cung cấp các bộ phận và phụ tùng thay thế nhằm nâng cấp cũng như tăng độ an toàn cho các máy bay thương mại cũ của Iran Air.

Tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Boeing của Mỹ vừa trúng thầu một hợp đồng lớn với Hãng Hàng không quốc gia Iran (Iran Air).

Đây là lần đầu tiên "người khổng lồ" Boeing nối lại hoạt động kinh doanh với Tehran kể từ khi Washington bắt đầu áp đặt lệnh cấm vận đối với quốc gia Hồi giáo này năm 1979.

Trong thông báo ngày 23/7, đại diện Boeing cho biết theo các điều khoản của hợp đồng, hãng này sẽ cung cấp các bộ phận và phụ tùng thay thế nhằm nâng cấp cũng như tăng độ an toàn cho các máy bay thương mại cũ của Iran Air. Ngoài ra, Boeing cũng sẽ cung cấp biểu đồ bay, sách hướng dẫn và các dữ liệu liên quan.

Ngoài ra, giới chức Boeing và Iran Air Tours - một công ty con của Iran Air - đã có các cuộc thảo luận tích cực nhằm tiến tới ký kết một hợp đồng tương tự trong thời gian tới.

Hồi tháng Tư vừa qua, Chính phủ Mỹ đã lần đầu tiên trong 35 năm qua cấp phép cho Boeing nối lại hoạt động kinh doanh với Iran.

Giấy phép được Bộ Tài chính Mỹ cấp dựa trên thỏa thuận hạt nhân sơ bộ đã đạt được giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi tháng 11/2013 và chỉ có hiệu lực "trong một khoảng thời gian nhất định." Tuy nhiên, Boeing vẫn không được phép bán máy bay mới cho Iran.

Trước đó, hồi tháng Hai, Boeing và Tập đoàn điện tử General Electric của Mỹ cùng nộp đơn xin cấp phép nối lại hoạt động xuất khẩu các bộ phận máy bay sang Iran trong thời gian thỏa thuận sơ bộ trên có hiệu lực. Tuy nhiên đến nay, yêu cầu của General Electric vẫn chưa được Washington chấp thuận.

Trong những năm gần đây, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Iran với mục đích gây sức ép buộc Tehran từ bỏ hoặc thu hẹp quy mô các chương trình hạt nhân nhằm đảm bảo hoạt động hạt nhân chỉ phục vụ mục đích hòa bình.

Các lệnh trừng phạt này đã được dỡ bỏ một phần hồi tháng Một vừa qua sau khi Iran hạn chế làm giàu urani ở mức thấp và vô hiệu hóa urani làm giàu ở mức 20%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục