Mẫu máy bay Boeing 737 Max đang trở thành tâm điểm của dư luận sau khi liên quan tới cả hai vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng trong vòng 5 tháng qua.
Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã ban hành lệnh cấm bay đối với mẫu thiết kế này cho tới khi có thêm thông tin.
Hồi tháng 10/2018, chiếc máy bay Boeing 737 Max của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) đã gặp trục trặc khi vừa cất cánh được khoảng 12 phút. Chiếc máy bay này đã lao thẳng xuống biển Java khiến toàn bộ 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì ngày 10/3 vừa qua, chiếc máy bay Boeing 737 Max của Ethiopian Airlines cũng lại gặp nạn khi cất cánh chưa lâu và khiến toàn bộ 157 người thiệt mạng.
346 người thiệt mạng trong vòng 5 tháng qua, bởi một loại phương tiện giao thông được đánh giá là an toàn nhất thế giới. Và cả 2 vụ việc thương tâm này đều có một mẫu số chung, đó là mẫu máy bay Boeing 737 Max. Điều đáng lo ngại là Boeing 737 Max đang rất được ưa chuộng khi theo ước tính của Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ, có tới 387 chiếc máy bay dòng này đang được sử dụng trên toàn cầu.
Kể từ khi ra mắt năm 2017, đã có 4.000 đơn đặt hàng cho Boeing 737 Max 8. Các hãng bay ưa chuộng Boeing 737 Max không phải vì mẫu này có nhiều chỗ để chân hơn cho hành khách, mà là bởi chúng rất tiết kiệm nhiên liệu.
Vào tháng 11/2018, tức chỉ 1 tháng sau tai nạn của Lion Air, cơ quan điều tra đã xác định ban đầu rằng các phi công đã có “hành động giằng co” với hệ thống lái tự động chỉ vài phút trước khi tai nạn diễn ra. Cụ thể, bộ cảm biến đã gặp sự cố và khiến máy bay rơi thẳng xuống. Các phi công đã cố khắc phục tình huống nhưng không thể. Các nhà điều tra cho biết vào thời điểm gặp nạn, “Boeing 737 Max đã không còn là một chiếc máy bay nữa,” ám chỉ chiếc máy bay này đã ngoài khả năng điều khiển của phi công.
[Danh sách các nước cấm máy bay Boeing 737 MAX tiếp tục kéo dài]
Hiện vẫn chưa biết nguyên nhân tai nạn của chiếc máy bay thuộc Ethiopian Airlines có giống với Lion Air hay không. Tuy nhiên, CEO Tewolde GebreMariam của hãng này khẳng định các phi công đã gặp khó khăn với hệ thống điều khiển bay.
Việc Boeing 737 Max trở thành mẫu số chung của cả hai vụ tai nạn khiến nhiều người lo ngại. Đã có ý kiến cho rằng mẫu máy bay này không an toàn. Đài CNN đã khảo sát các chuyên gia hàng không về sự việc này và kết quả đưa ra cũng rất gây tranh cãi. Đáng chú ý trong số các chuyên gia có ông David Soucie, vốn từng là cựu giám sát viên an toàn của Cục hàng không Liên bang Hoa Kỳ. Ông cho biết bản thân chưa từng đánh giá bất cứ một mẫu máy bay cụ thể nào là thiếu an toàn, ngoại trừ Boeing 737 Max.
Ông Soucie chỉ ra rằng sau sự cố Lion Air hồi năm ngoái, hãng Boeing đã phải khuyến cáo các phi công tham gia một khóa tập huấn nhằm tránh lỗi điều khiển tương tự. Hiện vẫn chưa rõ các phi công của Ethiopian Airlines đã tham gia khóa học này hay chưa.
Cụ thể, Boeing 737 Max có vấn đề với “Hệ thống truyền động tăng cường.” Hiểu nôm na là một chức năng trên các máy bay Boeing 737 Max nhằm ngăn chặn việc mất độ cao trong trường hợp tốc độ bay chậm nhưng mũi máy bay lại hướng lên quá cao, gây mất lực nâng. Hệ thống này sử dụng cảm biến để tính toán khi nào máy bay đang rơi vào trạng thái nguy hiểm, sau đó sẽ tự động đẩy cần lái về phía trước (nhằm hạ mũi hướng máy bay xuống).
Bất luận nguyên nhân của các vụ tai nạn Boeing 737 Max là gì và hệ thống điều khiển có dính líu tới hay không, việc một mẫu máy bay gặp tai nạn liên tiếp cũng là một tín hiệu đáng báo động. Cần nhớ chế tạo máy bay là một thị trường “hái ra tiền” và bất cứ một kết luận cụ thể nào cũng có thể gây tác động trực tiếp tới việc làm ăn của các nhà sản xuất.
346 sinh mạng đã ra đi và nếu công tác điều tra không thể đi tới cùng, sẽ còn hàng nghìn hay thậm chí hàng triệu sinh linh khác sẽ đứng bên bờ vực thẳm./.