Theo truyền thông tại London, Thống đốc Ngân hàng Anh (BoE) Mark Carney ngày 18/9 cho rằng việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, là một minh chứng đặc biệt về việc suy yếu toàn cầu hóa sẽ ảnh hưởng lên toàn bộ nền kinh tế Anh do quan hệ thương mại với EU bị suy yếu, khiến sức ép lạm phát tăng dù tác động của việc đồng bảng mất giá gần đây được cho là không còn nữa.
Ông Carney cho rằng mặc dù ý đồ của Brexit không phải là để đóng cửa nước Anh với các nước trên thế giới ngoài EU, nhưng do những quan hệ thương mại với EU bị ảnh hưởng và việc đẩy mạnh thương mại với các nước ngoài EU cần phải có thời gian, nên điều này khiến Brexit trở thành một ví dụ đặc biệt về sự "suy giảm toàn cầu hóa."
[Anh đề xuất hiệp ước an ninh mới với EU thời hậu Brexit]
Ông Carney giải thích điều này có nghĩa giá cả hàng hóa tiêu dùng sẽ tăng và khả năng tăng lãi suất để kiểm soát tình trạng lạm phát sẽ xảy ra. Theo ông Carney, hội nhập thương mại tốt sẽ dẫn đến cải thiện nguồn cung hàng hóa, dịch vụ và nhân công.
Ông Carney cho rằng việc duy trì những mối liên kết thương mại với EU có thể là một thách thức đối với nước Anh, đặc biệt đối với các ngành có liên quan đến chuỗi cung ứng liên kết.
Ông Carney cho rằng Brexit nhiều khả năng sẽ dẫn đến lạm phát và tác động của lạm phát sẽ có thể gia tăng do những thay đổi trên thị trường lao động vì nước Anh sẽ thắt chặt hệ thống nhập cư của mình.
Năng suất lao động cũng có khả năng sẽ bị ảnh hưởng và tác động thực sự đối với năng suất sẽ phụ thuộc vào mức độ nước Anh bị mất quyền vào thị trường EU và thị trường các nước thứ ba được thay thế nhanh chóng thế nào.
Ông Carney cũng đưa ra cảnh báo nhiều khả năng cho thấy lạm phát không hề liên quan đến việc tăng giá cả hàng tiêu dùng mà cho rằng đồng bảng Anh mất giá kể từ hồi tháng Sáu năm ngoái.
Ông Carney không đề cập gì đến việc tìm cách tăng giá đồng bảng Anh vì cho rằng sau Brexit, đồng bảng sẽ phản ánh những thay đổi của nước Anh trên lĩnh vực thương mại và nhiều lĩnh vực khác.