Theo phóng viên TTXVN tại London, ngày 26/1, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Mark Carney cảnh báo rằng nước này sẽ phải đối mặt với nguy cơ bất ổn về tài chính nếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Khi đó, nền kinh tế Anh sẽ khó tìm được những nguồn lực bổ sung để giải quyết bài toán thâm hụt ngân sách trong bối cảnh vốn đầu tư nước ngoài "tháo chạy" và lãi suất duy trì ở mức cao.
Phát biểu trước Ủy ban Tài chính thuộc Hạ viện Anh, ông Carney cho biết thâm hụt tài khoản vãng lai đã giảm nhẹ trong thời gian vừa qua và đây được coi là một tin tốt lành đối với nền kinh tế Anh.
Triển vọng phục hồi của nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể giúp Anh tiếp tục giảm thâm hụt tài khoản vãng lai. Tuy nhiên, ông Carney cho rằng nền tài chính Anh sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro và cả nguy cơ bất ổn nếu rời khỏi EU.
Luồng vốn đầu tư nước ngoài sẽ chuyển hướng, buộc chính phủ, giới doanh nghiệp và cả hộ gia đình tại Anh phải đi vay mượn với lãi suất cao hơn.
Từ trước tới nay, giới chức BoE vẫn cố gắng tránh đề cập đến những tác động tiêu cực nếu Anh rời khỏi EU.
Họ theo đuổi cách tiếp cận thận trọng nhằm duy trì sự bình ổn trên thị trường tài chính - tiền tệ nước này, và ít khi bình luận về kế hoạch trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh.
Vì vậy, lời cảnh báo của ông Carney chứng tỏ nền tài chính Anh sẽ phải đối mặt với nguy cơ bất ổn thực sự nếu nước này rời khỏi EU.
Theo ông Carney, BoE sẽ có phản ứng kịp thời nhằm hạ nhiệt và bình ổn thị trường, giảm thiểu những tác động tiêu cực do cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU, dự kiến được tổ chức vào tháng 6 tới, gây ra.
Hiện BoE cũng đã tính đến phương án đảm bảo nguồn tiền cho hệ thống ngân hàng trong trường hợp các nhà đầu tư ngoại ồ ạt rút vốn khỏi Anh nếu nước này từ bỏ tư cách thành viên EU.
BoE tin rằng khả năng ứng phó của khu vực ngân hàng đã được cải thiện hơn nhiều so với thời điểm năm 2008 khi xảy ra khủng hoảng tài chính - tiền tệ./.