Thời gian gần đây, thông tin đồn thổi bà Phan Thị Tranh ở thôn Viên Du, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, chữa bệnh bằng cách bắt tay, hát truyền năng lượng, kết hợp với một loại cây theo tên gọi của gia đình bà là "lá mát," sẽ chữa bách bệnh kể cả các bệnh hiểm nghèo, khiến nhiều người dân ở nhiều tỉnh, thành phố đặc biệt quan tâm.
Bà Tranh trở thành người nổi tiếng, mỗi ngày gia đình bà có vài trăm bệnh nhân, thậm chí ngày cuối tuần có hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về thôn Viên Du để xin bà Tranh chữa trị các loại bệnh tật.
Người ta đã gọi bà Tranh là "Cô Tiên," "Tiên cô," "Thần y"... coi bà như đấng tinh thần tối cao, như niềm hy vọng cuối cùng cho sự sống của người bệnh, nhất là người mắc bệnh nan y.
Có mặt tại thôn Viên Du trong một buổi chiều, phóng viên TTXVN đã tìm hiểu về khả năng chữa trị bệnh của người phụ nữ này.
Đến các hộ dân sống hai bên đường Thanh Vân, xã Thanh Vân, khi phóng viên phỏng vấn 4 người, họ đều yêu cầu giấu tên, không nêu số nhà vì sợ bà Tranh và nhóm đối tượng ủng hộ bà Tranh trả thù. Những người được hỏi đều cho biết bà Tranh không có khả năng chữa bệnh, việc làm của bà là lừa bịp và kinh doanh trục lợi bất chính.
Rất nhiều người tỏ ra bất bình vì kiểu kiếm tiền nhờ phao tin, đồn thổi, tâng bốc... có chủ ý, có tổ chức của những người thân quen có cùng lợi ích, vì tiền bạc mà coi thường sức khỏe, tính mạng của không biết bao nhiêu người dân.
Tại thôn Viên Du, nhiều năm qua rất nhiều người không tin tưởng kiểu chữa trị bệnh tật tự phát, chưa có một cơ quan chức năng nào giám định, kiểm chứng và thừa nhận năng lực chữa bệnh của bà Tranh.
Trong một cuộc giao ban báo chí ở Vĩnh Phúc mới đây do Ban Tuyên giáo Vĩnh Phúc tổ chức, dành thời gian để các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương huyện Tam Dương thông báo, giải trình và trả lời các câu hỏi của báo giới về vụ việc mỗi ngày có hàng trăm, hàng ngàn người đến nhà bà Tranh để chữa bệnh, ông Trần Xuân Lâm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định bà Phan Thị Tranh hành nghề trái pháp luật.
Trả lời câu hỏi: Bà Tranh có khả năng chữa trị bệnh hay không?... Ông Trần Xuân Lâm trình bày báo cáo số 317/BC-UBND ngày 6/12/2013 cho biết bà Phan Thị Tranh là nông dân tại thôn Viên Du, không có chuyên môn, bằng cấp về ngành y.
Từ cuối năm 2010, bà Tranh chính thức tuyên bố có thể chữa khỏi nhiều bệnh nan y bằng cách thức hát, bắt tay và cho uống "lá mát."
Hoạt động của bà Tranh không được cơ quan chức năng cấp phép và cũng không có chứng chỉ hành nghề.
Ủy ban Nhân dân huyện Tam Dương, Sở Y tế, Công an tỉnh Vĩnh Phúc và một số sở, ban, ngành liên quan đã vào cuộc nhằm làm rõ vụ việc, từng yêu cầu bà Tranh chấm dứt hoạt động hành nghề trái phép, không được khám, chữa bệnh, bốc thuốc nam khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép và bà Tranh đã cam kết không hái hoa, lá, cỏ cây... để chữa bệnh.
Mặc dù cơ quan chức năng và chính quyền sở tại khẳng định bà Phan Thị Tranh hoạt động chữa bệnh trái pháp luật, không có chuyên môn y học, thuốc cung cấp cho người bệnh chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng, có dấu hiệu kinh doanh trục lợi với số tiền thu được rất lớn, nhưng gần đây bà Tranh vẫn hoạt động công khai.
"Chỉ khi nào cấp có thẩm quyền kiểm tra thường xuyên và yêu cầu chấm dứt thì mới tạm dừng!"- Bà Tranh nói.
Giới chuyên môn cảnh báo hoạt động chữa bệnh trái phép của bà Tranh có nguy cơ tiềm ẩn gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân, kể cả tính mạng người dân khi lâm bệnh hiểm nghèo không đến các bệnh viện chữa trị kịp thời; gây mất vệ sinh môi trường vì quá đông người bệnh đến địa phương sống cảnh "ăn tạm, ở thì" vốn họ đang mắc nhiều loại bệnh tật khác nhau, bệnh truyền nhiễm cũng dễ lây lan; đồng thời gây mất an ninh trật tự ở địa phương.
Trong quá trình điều trị bệnh, nhiều người dân ở xa đến, phải nghỉ lại tại xã Thanh Vân và các xã, phường lân cận thành phố Vĩnh Yên.
Vì thế hàng loạt nhà nghỉ, nhà trọ, quán ăn, quán bán hàng tạp hóa bỗng dưng đông khách vượt trội và người kinh doanh buôn bán nhờ vậy mà "hái ra tiền"... nên ủng hộ bà Tranh khám chữa bệnh.
Những hộ buôn bán kinh doanh nêu trên cùng với lực lượng "cò mồi" lên tới hàng chục người, tìm mọi cách tung tin, phao tin, nhắn tin, đẩy thông tin lên mạng... khiến thông tin về việc khám chữa bệnh của bà Tranh lan rộng. Số người tìm đến bà Tranh khám chữa bệnh ngày một đông và những người làm "dịch vụ ăn theo" càng có cơ hội dễ dàng kiếm tiền.
Đây cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương trong việc quản lý và yêu cầu việc chấm dứt hành nghề đối với bà Tranh.
Một người dân xã Thanh Vân cho biết trung bình mỗi ngày có 400 đến 500 người đến gia đình bà Tranh. Mỗi người đến khám chỉ cần trả tiền thuốc hoặc đặt lễ 100.000 đồng đến 200.000 đồng thì thu nhập của gia đình bà Tranh hơn cả làng Viên Du sản xuất nông nghiệp.
Trong báo cáo về việc khám chữa bệnh của bà Phan Thị Tranh gửi ngành chức năng, ông Vũ Đình Ngọc, Phụ tránh Trạm y tế xã Thanh Vân cũng cho biết nếu bà Tranh có khả năng chữa trị bệnh tật như vậy thì người thân, họ hàng của bà đã không phải đều đặn ra Trạm Y tế xã để khám chữa bệnh.
Thời gian gần đây, bố, mẹ đẻ của bà Tranh và cháu của bà Tranh thường xuyên phải đi Trạm Y tế xã Thanh Vân khám, điều trị bệnh. Trong năm 2012, cả xã Thanh Vân có 39 trường hợp tử vong thì riêng bệnh ung thư có 14 trường hợp, trong đó thôn Viên Du có 5 trường hợp. Trong số 5 trường hợp chết vì ung thư ở thôn Viên Du có 3 trường hợp điều trị tại nhà bà Phan Thị Tranh./.