Bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10: Phụ huynh, học sinh lo thiếu công bằng

Trước dự kiến sẽ bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10 bên cạnh hai môn Toán và Ngữ văn, nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ khiến học sinh chịu nhiều áp lực và chưa đảm bảo công bằng.
Thí sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Bên cạnh hai môn Toán và Ngữ văn, các sở giáo dục và đào tạo sẽ tổ chức bốc thăm thêm môn thi thứ ba để tuyển sinh vào lớp 10. Đây là một trong những điểm đáng chú ý trong văn bản vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các sở giáo dục và đào tạo để lấy ý kiến về nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông, thay thế Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT.

Cả nước sẽ thi ba môn?

Theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT, việc tuyển sinh vào lớp 10 trung học cơ sở có ba hình thức gồm thi tuyển, xét tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Uỷ ban nhân dân các tỉnh quyết định hình thức tuyển sinh. Thực hiện thông tư này, hình thức tuyển sinh của các địa phương đang được triển khai khác nhau, có địa phương xét tuyển trong khi nhiều tỉnh lại tổ chức thi tuyển. Cách tổ chức thi và số môn thi của các địa phương cũng khác nhau.

Tuy nhiên, theo dự thảo thông tư mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra 2 phương thức để xin ý kiến góp ý là xét tuyển và thi tuyển, trong đó việc thi tuyển thống nhất ba môn.

Cụ thể, với phương thức xét tuyển, căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.

Với thi tuyển, số lượng môn thi là 3 môn, gồm: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi do sở giáo dục và đào tạo tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở.

Môn thi được bốc thăm phải công bố trước ngày 31/3 hằng năm. Đối với việc tuyển sinh vào trường trung học phổ thông chuyên, mỗi môn chuyên có thêm 1 môn thi chuyên.

Thời gian thi môn Ngữ văn là 120 phút; môn Toán 90 phút; môn thi còn lại không quá 90 phút; môn thi chuyên 150 phút.

Nội dung đề thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, chủ yếu là chương trình lớp 9. Với môn chuyên, mỗi môn được thi bằng một đề riêng theo chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở. Đề thi bảo đảm lựa chọn được những học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó.

Học sinh ôn thi vào lớp 10. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Năm 2025 là năm đầu tiên lứa học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thi vào lớp 10 trong khi ở chương trình mới, trung học cơ sở là bậc học giáo dục cơ bản, giáo dục toàn diện. Vì vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi quy chế thi và dự kiến bốc thăm thêm môn thi vào lớp 10 được cho là một trong những giải pháp nhằm chống tình trạng học lệch khi nhiều tỉnh, thành chỉ thi các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, dẫn đến học sinh không chú trọng học các môn còn lại.

Lo áp lực và thiếu công bằng

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 luôn là một kỳ thi đầy áp lực trong những năm qua do tỷ lệ cạnh tranh cao, khi chỉ khoảng 60-70% học sinh dự thi sẽ có cơ hội học tập ở các trường trung học phổ thông công lập. Vì vậy, dự kiến thay đổi trong thi vào lớp 10 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, phụ huynh và các nhà trường.

Chị Nguyễn Thị Minh Tâm (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng mục tiêu hướng đến của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm tránh tình trạng học lệch nhưng việc tổ chức bốc thăm môn thi thứ 3 khiến học sinh sẽ bị áp lực và thiếu công bằng.

Phân tích cụ thể, chị Tâm cho hay việc thi tuyển sinh vào lớp 10 khác với xét tốt nghiệp. Để xét tốt nghiệp, học sinh cần đảm bảo học toàn diện, đảm bảo yêu cầu cơ bản của chương trình học. Điều này được các giáo viên đánh giá trong cả quá trình học và các bài kiểm tra cuối năm. Tuy nhiên, tuyển sinh vào lớp 10 là kỳ thi cạnh tranh, học sinh nào có điểm cao hơn sẽ đỗ chứ không phải chỉ cần đạt yêu cầu cơ bản.

“Trên thực tế, để đủ điều kiện tốt nghiệp trung học cơ sở, học sinh gần như không quá nhiều áp lực. Trong khi để thi vào lớp 10, hầu hết các học sinh đều phải đi học thêm và là cuộc đua căng thẳng, tùy vào từng trường, càng trường tốp đầu cuộc đua càng khốc liệt hơn. Vậy nên nếu đến tháng Ba mới bốc thăm và công bố môn thi vào lớp 10, học sinh sẽ phải ‘cày’ tất cả các môn từ đầu năm học,” chị Tâm cho hay.

Cũng theo chị Tâm, ít học sinh có thể giỏi đều tất cả các môn. Vì vậy, nếu môn bốc thăm vào môn Khoa học Tự nhiên thì học sinh các môn này có lợi thế hơn so với học sinh có thiên hướng môn xã hội và ngược lại, nếu bốc thăm vào môn Lịch sử-Địa lý sẽ bất lợi cho thí sinh khuynh hướng khoa học tự nhiên. Trong khi đó, đây là kỳ thi cạnh tranh nên đề thi cần đảm bảo sự công bằng cho tất cả thí sinh.

Từng có con vừa trải qua kỳ thi vào lớp 10, chị Phạm Thị Hương (Kiến Xương, Thái Bình) cho biết con chị đã phải tăng cường thời lượng học các môn Toán, Văn, Tiếng Anh ngay từ năm học lớp 10 khi hướng đến dự thi vào trường tốp đầu của tỉnh này là Trung học phổ thông chuyên Thái Bình và Trung học phổ thông Nguyễn Đức Cảnh.

“Dù ngành giáo dục luôn nói học sinh không cần đi học thêm, nhưng trong bối cảnh tất cả học sinh đều đi học thêm, nếu con mình không học thêm thì sẽ khó cạnh tranh với các bạn có đi học thêm vì rõ ràng khi đi học, con được rèn luyện nhiều hơn thì sẽ nhuần nhuyễn hơn. Con cũng phải thức khuya dậy sớm để học, đặc biệt trong giai đoạn ôn thi cao điểm. Nếu phải tăng cường cho tất cả các môn thì quá áp lực,” chị Hương nói.

Nhận định việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp để chống học lệch là đúng nhưng chia sẻ với những lo lắng của các phụ huynh, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng việc bốc thăm một trong số các môn khiến môn nào cũng có thể trở thành môn thi. Điều đó có thể dẫn đến tình huống học sinh sẽ phải học thêm để luyện thi tất cả các môn học.

Ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ cũng cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cân nhắc hơn về phương án bốc thăm môn thi thứ ba. Theo ông Lập, nên để các địa phương lựa chọn môn thứ 3 phù hợp với thực tế địa phương. Nếu bốc thăm, chỉ nên thực hiện 1 trong số các môn: Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân. Lý giải việc không bốc thăm hai môn Tin học và Công nghệ, ông Lập cho hay ở vùng khó khăn, việc học các môn này còn hạn chế về cơ sở vật chất và đội ngũ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục