Bộ Y tế yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Tại Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh COVID-19 vẫn luôn thường trực, khi xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan trong cộng đồng và tại các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở y tế.
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 1Các công dân hoàn thành cách ly chuẩn bị được về với gia đình. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Bộ Y tế vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, dịch bệnh tại nhiều quốc gia đã bùng phát trở lại với tốc độ lây lan và số ca tử vong cao hơn trước sau khi nới lỏng các biện pháp giàn cách xã hội. Trong thời gian tới, dịch bệnh vẫn tiếp tục gia tăng ở một số quốc gia.

[Tròn 30 ngày không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 trong cộng đồng]

Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, với 30 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng. Mặc dù vậy, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực, xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan trong cộng đồng và tại các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở y tế. Vẫn còn tình trạng người nhập cảnh trái phép và có khả năng gây bùng phát dịch như tại Đà Nẵng trong thời gian vừa qua.

Để tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế ngành, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 24/9/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Các đơn vị trên cần tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và trực tiếp chỉ đạo thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan.

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch; tuyệt đối không để lây nhiễm chéo.

Các đơn vị y tế cần triển khai tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiềm, bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh an toàn; cập nhật thường xuyên việc thực hiện bệnh viện an toàn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám bệnh, chữa bệnh, người đi lại giữa các khoa, phòng để phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện; chú trọng đảm bảo công tác kiếm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, nhất là tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng; đảm bảo công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường.

Trong công tác điều trị, các cơ sở y tế cần nâng cao năng lực của các đội phản ứng nhanh đáp ứng dịch để sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết; tổ chức diễn tập, tập huấn về giám sát phòng, chống dịch COVID-19 cho cán bộ y tế về công tác báo cáo, giám sát, lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu và xét nghiệm.

Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cộng đồng về phòng, chống dịch COVID-19 và đẩy mạnh tuyên truyền thông điệp 5K của Bộ Y tế, cài đặt và sử dụng các ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế.

Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tham mưu chính quyền địa phương đầu tư nguồn lực, thực hiện phương châm 4 tại chỗ khi dịch xảy ra trên địa bàn; Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch trong tình hình mới đối với các cơ quan, đơn vị, trường học và các địa điểm cần giám sát trên địa bàn; có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...

Các Viện nghiên cứu rà soát, tham mưu các biện pháp chuyên môn kỹ thuật về giám sát, đáp ứng chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình dịch và tiến bộ kỹ thuật của các nước trên thế giới; hướng dẫn, giám sát các địa phương thực hiện các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật theo quy định.

Các đơn vị có liên quan cần tiếp tục hỗ trợ các địa phương, đơn vị trong việc xây dựng, đánh giá, công nhận năng lực xét nghiệm khẳng định, tăng nhanh công suất xét nghiệm xác định SARS-CoV-2 khi cần thiết; đề xuất sử dụng sinh phẩm theo từng tình huống dịch và đánh giá hiệu quả gộp mẫu xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các Viện nghiên cứu tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vắcxin phòng bệnh COVID-19, các phương pháp xét nghiệm mới để sàng lọc, xác định SARS-CoV-2; tập trung hợp tác quốc tế với các quốc gia đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng vắcxin phòng bệnh COVID-19.

Các đơn vị y tế dự phòng cần thực hiện xét nghiệm COVID-19 theo quy định; xét nghiệm bệnh nhân có bất kỳ biểu hiện triệu chứng của bệnh, xét nghiệm bệnh nhân nặng, bệnh nhân nằm ở các khoa cấp cứu, thận nhân tạo, hồi sức tích cực, hô hấp...; xét nghiệm cho nhân viên y tế tại các khoa này, tránh việc lây nhiễm từ nhân viên y tế cho người bệnh.

Đặc biệt, các nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà đến thăm, chăm sóc phải thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế nếu sử dụng thiết bị di động thông minh. Các bệnh viện cần có hình thức phân luồng ưu tiên đối người đến khám, điều trị thực hiện việc cài đặt và bật ứng dụng truy vết; Mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký lịch khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, khám bệnh từ xa.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục