Bộ Y tế vừa có công văn số 4393/BYT- KCB gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Y tế các ngành; Giám đốc các Bệnh viện, Viện nghiên cứu có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc các Bệnh viện thuộc trường đại học về việc tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ Y tế cho biết tình hình bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 vẫn đang diễn biến rất phức tạp.
Tại Đà Nẵng, nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 mới đã được phát hiện, trong đó có nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh. Một số địa phương khác đã xuất hiện các ca nhiễm liên quan đến vùng dịch Đà Nẵng và những ca nhiễm chưa xác định được nguồn lây.
Nhằm bảo đảm an toàn, giảm thiểu tới mức thấp nhất lây nhiễm bệnh cho nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Thủ trưởng Y tế các ngành; Giám đốc các Bệnh viện, Viện nghiên cứu có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc nghiêm túc thực hiện việc tổ chức rà soát, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch đã ban hành.
Bên cạnh thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội trong bệnh viện giữa các khoa, phòng và các nhóm nhân viên y tế, các cơ sở y tế bảo đảm mọi người khi vào bệnh viện, khi vào các tòa nhà và các khoa phải mang khẩu trang và vệ sinh tay.
[TPHCM tạm ngừng thăm bệnh, ngừng hoạt động các phòng khám tư nhân]
Các cơ sở y tế thực hiện sàng lọc, cách ly và chỉ định xét nghiệm chẩn đoán sớm ca bệnh nghi ngờ theo quy định cho người bệnh, người nhà hỗ trợ chăm sóc người bệnh đó tại khoa khám bệnh và các khoa lâm sàng; chủ động đánh giá nguy cơ lây nhiễm ở nhân viên y tế, người cung cấp dịch vụ có tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, những người đi từ vùng dịch về hoặc những người có triệu chứng sốt, viêm đường hô hấp để phát hiện sớm, cách ly phù hợp theo quy định.
Mọi khoa lâm sàng phải có buồng cách ly để cách ly tạm thời người bệnh nghi nhiễm trong quá trình điều trị cho tới khi có kết quả xét nghiệm loại trừ; tăng cường các biện pháp thông khí, vệ sinh bề mặt (đặc biệt là các bề mặt thường xuyên có tiếp xúc bàn tay), quản lý chất thải đúng quy định tại các khoa phòng đặc biệt khu khám sàng lọc, khu cách ly, khu vệ sinh, khoa hồi sức tích cực, khoa truyền nhiễm. Bảo đảm giãn cách giường bệnh theo quy định.
Cùng với bảo đảm cung cấp đầy đủ và sử dụng đúng trang thiết bị, phương tiện phòng hộ cá nhân đạt tiêu chuẩn cho tất cả nhân viên y tế khi thực hiện khám sàng lọc, các kỹ thuật cận lâm sàng, chăm sóc và điều trị trực tiếp người nhiễm hoặc nghi nhiễm SARS-CoV-2 đặc biệt là khi thực hiện các can thiệp trên người bệnh có tạo khí dung; cần bố trí đủ nhân lực chăm sóc toàn diện người bệnh tại các khoa trọng điểm như Khoa Hồi sức tích cực, Khoa Cấp cứu, Khoa Truyền nhiễm, Khoa Bệnh nhiệt đới và người bệnh có chỉ định chăm sóc cấp I tại các khoa lâm sàng khác.
Tuyệt đối không để người nhà, người chăm sóc dịch vụ chăm sóc đối tượng người bệnh này trong giai đoạn hiện nay.
Giảm thiểu tối đa người nhà hỗ trợ chăm sóc đối tượng người bệnh khác, trong trường hợp thật cần thiết chỉ để lại một người nhà hỗ trợ chăm sóc cố định. Thực hiện khai báo y tế, kiểm soát tuân thủ các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh của người hỗ trợ chăm sóc.
Các cơ sở khám chữa bệnh dừng việc thăm hỏi người bệnh nội trú của người nhà người bệnh. Yêu cầu và hướng dẫn người bệnh, người hỗ trợ chăm sóc, người cung cấp dịch vụ phải đeo khẩu trang, vệ sinh tay, thực hiện giãn cách ngay khi vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và trong suốt thời gian lưu lại tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tại các cơ sở khám chữa bệnh, lãnh đạo bệnh viện giao cho bộ phận giám sát kiểm soát nhiễm khuẩn thường trực kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 của nhân viên y tế, người bệnh và các đối tượng liên quan đặc biệt tại khu vực khám sàng lọc, khu cách ly, khu điều trị người cao tuổi, người bệnh nặng, người bệnh nguy kịch./.