Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến chỉ đạo chống nCoV đến tuyến huyện

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong bối cảnh dịch hiện nay đang gia tăng nhanh từ Trung Quốc thì biện pháp cách ly là hiệu quả để ngăn chặn, phòng chống dịch.
Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến chỉ đạo chống nCoV đến tuyến huyện ảnh 1Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị. (Nguồn: moh.gov.vn)

Ngày 8/2/2020, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tại trên 700 điểm cầu tại các bệnh viện từ Trung ương đến tuyến huyện, hướng dẫn điều trị và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (2019-nCoV) gây ra.

Tham dự hội nghị có đại diện Tổ chức Y tế Thế giới, các chuyên gia, cán bộ chuyên môn các bệnh viện, trường đại học; đại diện Ủy ban Nhân dân, Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố, các đơn vị y tế thuộc địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, việc phòng chống dịch của Việt Nam chưa lần nào làm mạnh như lần này với nhiều biện pháp quyết liệt của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ. Ban Bí thư cũng đã có các yêu cầu cấp ủy thực hiện tốt việc này.

Các nhà khoa học Việt Nam đã nuôi cấy thành công virus nCoV, giúp trả lời chính xác về nguồn gốc của virus, độc lực, cơ chế gây bệnh, tính sinh miễn dịch của virus nCoV để lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp, ngoài ra sẽ cung cấp các nguyên liệu để phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và vắcxin phòng bệnh.

[Bệnh viện dã chiến tại TPHCM sẽ chính thức hoạt động vào ngày 10/2]

“Việt Nam tự tin có kỹ thuật, đảm bảo đủ năng lực sinh phẩm để có thể chuẩn đoán nhanh nhất,” Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong bối cảnh dịch hiện nay đang gia tăng nhanh từ Trung Quốc thì biện pháp cách ly là hiệu quả để ngăn chặn, phòng chống dịch. Việt Nam đã thiết lập hệ thống cách ly 3 vòng: Thứ nhất là các bệnh nhân nghi nhiễm bệnh, được cách ly tại các cơ sở y tế. Thứ hai là các công dân Việt Nam, người nước ngoài đi qua hoặc đi từ vùng Hồ Bắc về Việt Nam lập tức được cách ly ở các cơ sở tập trung do Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố chỉ định. Thứ ba là những người đi từ các vùng khác ở Trung Quốc về Việt Nam được cách ly tại gia đình.

“Hiện số người nhập cảnh chỉ có người Việt Nam, không có người nước ngoài. Toàn bộ người Việt Nam từ vùng dịch trở về nước đều được cách ly tại các khu vực Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng..., đây là một trong những điểm chúng ta làm triệt để,” Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, hiện Việt Nam đã có 13 ca nhiễm nCoV đang được cách ly, theo dõi, điều trị. Đã có 3 ca khỏi, ra viện. Các ca bệnh đang được điều trị hiện trong tình trạng ổn định.

Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến chỉ đạo chống nCoV đến tuyến huyện ảnh 2Khu vực cách ly y tế tập trung tại cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp (Hải Phòng). (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

“Qua tổng kết các ca khỏi ra viện cho thấy, các bệnh viện đã thực hiện tốt việc cách ly người bệnh ngay từ đầu, theo đúng quy trình. Các bệnh viện tổ chức tốt công tác điều trị tại chỗ; phối hợp tốt các chuyên khoa trong bệnh viện để điều trị các bệnh kèm theo của người bệnh. Các bệnh viện kiểm soát lây nhiễm tốt, không để lây nhiễm sang nhân viên y tế, cộng đồng, nhờ đó giúp Cục Quản lý Khám, chữa bệnh bổ sung cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị...”.

Hiện Bộ Y tế đã hướng dẫn các bệnh viện chuẩn bị nguồn lực tùy mức độ của dịch, hướng dẫn 700 bệnh viện các tuyến cách lấy mẫu, bảo quản mẫu... Đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A nên bảo quản mẫu phải đảm bảo an toàn sinh học

Về phương châm điều trị là "4 tại chỗ" (quản lý, sàng lọc bệnh nhân từ tuyến xã và điều trị bệnh nhân nhẹ từ tuyến huyện) do dịch bệnh đến từ nhiều nước, nguồn lây từ khắp nơi, dịch không tập trung. Giai đoạn bệnh nhẹ giữ tại huyện, như ở Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) điều trị 4 bệnh nhân với sự hỗ trợ của tuyến trên; nặng hơn lên bệnh viện tỉnh, nặng hơn nữa lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Các địa phương khác cũng hạn chế di chuyển bệnh nhân để cắt đứt nguồn lây.

Tại buổi hướng dẫn trực tuyến, các bệnh viện được tập huấn về chẩn đoán và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV; xử trí một số hội chứng suy hô hấp, sốc nhiễm trùng… ở người lớn, bệnh nhi; phòng ngừa, kiểm soát nhiễm khuẩn trong chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ nhiễm 2019-nCoV; cách lấy mẫu, đóng gói và vận chuyển bệnh phẩm; giám sát và phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV gây ra. Các bệnh viện chia sẻ kinh nghiệm điều trị người bệnh nhiễm 2019-nCoV...

Theo các hướng dẫn của Bộ Y tế, thời gian ủ bệnh của 2019-nCoV là từ 2-12 ngày, trung bình từ 5-7 ngày với các biểu hiện lâm sàng ban đầu hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy.

Hầu hết các bệnh nhân chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Một số trường hợp có thể viêm phổi, viêm phổi nặng, diễn tiến tới suy hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái…), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm trùng, rối loạn thăng bằng kiềm-toan, suy chức năng các cơ quan dẫn đến tử vong. Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu đến khi diễn biến bệnh nặng là từ 7-8 ngày. Tử vong xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo.

Các chuyên gia y tế tại hội nghị cũng cho biết hiện viêm phổi do virus corona mới chưa có thuốc đặc hiệu và vắcxin phòng bệnh. Do đó, điều quan trọng lúc này là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng người bệnh và điều trị biến chứng, trong quá trình điều trị cần tập trung điều trị cả bệnh do virus và các bệnh nền.

Trong phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn trong chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus corona mới việc thông khí tại buồng bệnh cách ly rất quan trọng. Việc rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang, làm thông thoáng nơi ở, tránh tụ tập đông người và dinh dưỡng đầy đủ được khuyến cáo trong phòng chống virus corona mới.

Ba đường lây cơ bản của virus corona mới là đường tiếp xúc (tiếp xúc với bệnh nhân, với bề mặt có dịch tiết nhiễm virus), qua các giọt bắn và ít hơn là lây qua không khí. Cách phòng bệnh chủ yếu là ngăn ngừa nguồn lây thông qua việc vệ sinh bề mặt, thường xuyên rửa tay, ngăn giọt bắn bằng khẩu trang. Các loại khẩu trang vải được giặt sạch, khẩu trang y tế đều có tác dụng ngăn ngừa giọt bắn./.

Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến chỉ đạo chống nCoV đến tuyến huyện ảnh 3
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục